Trong ba năm liên tiếp, mức sinh ở Việt Nam liên tục giảm nhanh chóng: từ 2,11 con/phụ nữ (2021), xuống 2,01 (2022), 1,96 (2023), và 1,91 (2024).
Năm 2024 được nhiều người coi là “năm đẹp” cho việc sinh con theo quan niệm dân gian, nhưng đã không thể đủ sức kéo mức sinh tại Việt Nam tăng lên, thậm chí còn đạt mức thấp kỷ lục 1,91 con/phụ nữ – mức thấp nhất trong lịch sử.
Thực trạng đáng báo động
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương công bố tại hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 diễn ra ngày 27/12 mới đây, trong ba năm liên tiếp, tỷ suất sinh ở Việt Nam liên tục giảm nhanh chóng: từ 2,11 con/phụ nữ (2021), xuống 2,01 (2022), 1,96 (2023), và 1,91 (2024). Đặc biệt, phụ nữ ở các đô thị phát triển chỉ sinh trung bình 1,67 con – thấp hơn nhiều so với mức thay thế là 2,1.
Năm 2024 được nhiều người coi là “năm đẹp” cho việc sinh con theo quan niệm dân gian, nhưng đã không thể đủ sức kéo mức sinh tại Việt Nam tăng lên. – Ảnh minh hoạ: Chinhphu.vn |
Xu hướng này không chỉ là vấn đề thống kê mà còn phản ánh nguy cơ dân số giảm tăng trưởng sau năm 2054, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế – xã hội. Đặc biệt, giai đoạn 2064-2069, dự báo dân số Việt Nam sẽ giảm trung bình 200.000 người mỗi năm. Đây là một thách thức lớn trong việc duy trì nguồn nhân lực và phát triển quốc gia.
Mức sinh giảm là hiện tượng không chỉ riêng Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, nhưng các yếu tố tác động ở Việt Nam có tính đặc thù. Chi phí sinh hoạt ngày càng cao, đặc biệt ở các đô thị lớn, gây áp lực tài chính đáng kể lên các gia đình. Việc nuôi dạy con trong xã hội hiện đại đòi hỏi chi phí lớn, chiếm tới 40% thu nhập của các hộ gia đình. Trong khi đó, dịch vụ y tế và giáo dục tại nhiều khu vực vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, điển hình là tình trạng thiếu trường mầm non công lập gần nơi ở khiến phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc trẻ nhỏ. Đồng thời, giá nhà ở tại các thành phố lớn tiếp tục leo thang. Dù Chính phủ đã đề xuất kế hoạch xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, việc triển khai còn nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong nhận thức xã hội và xu hướng cá nhân hóa cũng là yếu tố quan trọng. Tỷ lệ ly hôn cao, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh – nơi cứ 2,7 cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn – tạo tâm lý bất an về hôn nhân và khiến nhiều người ngại kết hôn hoặc sinh con. Giới trẻ ngày nay thường ưu tiên sự nghiệp và tự do cá nhân hơn, cho rằng nếu không đảm bảo cuộc sống tốt cho con thì không nên sinh con. Quan niệm này ngày càng phổ biến khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với phương Tây, nơi giá trị cá nhân được đề cao.
Giải pháp là gì?
Để khắc phục tình trạng này, cần có những giải pháp toàn diện từ cả Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Chính phủ cần phát triển các chính sách hỗ trợ gia đình nuôi dạy con, bao gồm tăng cường hệ thống trường mầm non công lập, giảm học phí và chi phí y tế cho trẻ em, đồng thời triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con nhỏ. Chính sách nhà ở cũng cần được điều chỉnh theo hướng tăng cường cho thuê nhà xã hội dài hạn thay vì bán, nhằm tạo điều kiện cho các gia đình trẻ ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, thay đổi nhận thức xã hội là nhiệm vụ cấp thiết. Các chiến dịch truyền thông cần nhấn mạnh giá trị của gia đình và trách nhiệm xã hội trong việc duy trì dân số quốc gia, từ đó thay đổi quan điểm tiêu cực về hôn nhân và sinh con. Doanh nghiệp cũng nên hỗ trợ lao động nữ thông qua các chính sách giúp họ cân bằng giữa công việc và gia đình, như giảm giờ làm việc, tăng thời gian nghỉ thai sản, và xây dựng nhà trẻ tại nơi làm việc.
Ở một góc nhìn tích cực, dù tình hình hiện tại còn nhiều khó khăn, mức sinh giảm cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển mình. Với dân số trẻ hiện tại, nếu Chính phủ kịp thời có các chính sách hỗ trợ, Việt Nam có thể ổn định mức sinh và tận dụng nguồn lực lao động trong giai đoạn chuyển đổi. Quan trọng hơn, cần xây dựng một môi trường xã hội nơi các cặp vợ chồng cảm thấy được hỗ trợ và đồng hành trong hành trình làm cha mẹ.
Trên hết, cần nhấn mạnh rằng, sự sống không chỉ là những con số trong các bản báo cáo, mà còn là câu chuyện của từng gia đình và cá nhân. Các chính sách dân số cần xây dựng một xã hội nơi những giá trị truyền thống được gìn giữ, đồng thời tạo điều kiện để những người trẻ hiện đại có thể tự tin bước vào vai trò làm cha mẹ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Liên Hương nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng công tác dân số và phát triển trong thời gian tới, trong Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo có đề xuất các nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, liên quan đến quy định số con của mỗi gia đình hay xử lý vi phạm chính sách dân số… Bên cạnh đó, dự Luật cũng đề cập vấn đề hỗ trợ người lao động sinh con, có con nhỏ, để các gia đình, đặc biệt ở vùng mức sinh thấp “không sợ sinh con”. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Dân số (Bộ Y tế) được yêu cầu hoàn tất hồ sơ Dự Luật để trình Chính phủ trong tháng 12, tiến tới trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025). Theo Cục Dân số, nhằm bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật, không xử lý trường hợp sinh từ 3 con trở lên, song song với việc thúc đẩy và có các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân sinh đủ 2 con. |
Nguồn: https://congthuong.vn/muc-sinh-giam-sau-he-luy-va-loi-giai-tu-chinh-sach-367190.html