Không kỷ luật người sinh con thứ 3: Chính sách thiết thực để khuyến sinh

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ20/02/2025

Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh mức sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm liên tục, được kỳ vọng sẽ góp phần tăng mức sinh thay thế trên cả nước.


Không kỷ luật người sinh con thứ 3: Chính sách thiết thực để khuyến sinh - Ảnh 1.

Hạnh phúc gia đình - Ảnh: NAM TRẦN

Thời gian qua, tình trạng mức sinh thay thế tại Việt Nam giảm kỷ lục liên tục được cảnh báo. Theo Bộ Y tế, mức sinh thay thế đang giảm nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Thay đổi phù hợp với thực tế

Kể từ năm 2009 đến hết năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, 2023 - 2024, mức sinh con ở Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và con số này giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024.

Trong đó, hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (lần lượt là 1,48 con/phụ nữ, 1,62 con/phụ nữ). Trong khi đó, để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, trên phạm vi cả nước.

Thực tế đòi hỏi cần có những giải pháp nhanh chóng để cải thiện mức sinh, ứng phó với già hóa dân số đang cận kề. Cũng chính vì vậy, Bộ Y tế trong quá trình xây dựng Luật Dân số đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng mức sinh thay thế.

Trong đó Bộ Y tế đã đề xuất bỏ quy định kỷ luật người sinh con thứ 3 trở lên. Đây là một trong nhiều giải pháp nhằm tăng mức sinh trong bối cảnh hiện nay. Bộ Y tế cũng đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con.

Bộ Chính trị đã đồng ý với đề xuất này và yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về số con và hướng dẫn 05 theo hướng không xử lý kỷ luật các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Đình Cử - nguyên viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân) - bày tỏ vui mừng và cho rằng việc sửa đổi chính sách là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Vui mừng khi có thể sinh thêm con

Ông Cử cho hay trước đây chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình chỉ tập trung giải quyết một vấn đề là mức sinh cao. Những chính sách này đã giúp Việt Nam ngăn chặn thành công bùng nổ dân số.

"Tuy nhiên sau đó, trong khoảng 20 năm qua chúng ta duy trì được mức sinh thay thế nhưng tôi thấy chỉ có 4 năm là duy trì được mức sinh thay thế, còn lại 14 năm là dưới mức sinh thay thế. Điều này đặt ra những nhu cầu cấp bách về việc thay đổi chính sách.

Cách đây khoảng 10 năm, tôi đã chia sẻ về việc cần phải thay đổi những chính sách hạn chế sinh con và kỷ luật đảng viên khi sinh con thứ 3. Chính sách dân số mới phải giải quyết rất nhiều vấn đề như duy trì mức sinh thay thế, thích ứng với già hóa dân số, tận dụng cơ cấu dân số vàng...

Nếu chúng ta vẫn xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên đã không phù hợp. Vì vậy, khi có thông tin Bộ Chính trị đồng ý với đề xuất không xử phạt người sinh con thứ 3, tôi rất vui mừng", ông Cử bày tỏ.

Cũng theo ông Cử, chúng ta cần tiếp tục rà soát, thay đổi toàn bộ hệ thống chính sách liên quan đến việc xử phạt người sinh con thứ 3 để tiếp tục sửa đổi.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực dân số cũng cho rằng việc bỏ quy định kỷ luật đối với người sinh con thứ 3 là cần thiết trong bối cảnh nhiều người "ngại sinh đẻ" như hiện nay.

"Mới đây, khẩu hiệu "nằm lòng" - "Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 đến 2 con" cũng đã thay bằng "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con". Vì vậy, tôi cho rằng chính sách thiết thực như bỏ quy định kỷ luật đối với người sinh con thứ 3 sẽ giúp một bộ phận có nhu cầu sinh con thực sự được nới lỏng. Từ đó họ có thể sinh thêm theo nhu cầu mà không bị ràng buộc", vị này bày tỏ.

Không kỷ luật người sinh con thứ 3: Chính sách thiết thực để khuyến sinh - Ảnh 2.

Bộ Y tế khuyến khích “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” trong bối cảnh mức sinh giảm - Ảnh: NAM TRẦN

Cần thực hiện song song nhiều chính sách khuyến sinh

ThS Nguyễn Thị Hồng, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết theo thống kê của Cục Dân số (Bộ Y tế), tổng tỉ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ngày càng bỏ xa mốc 2,09 con vào năm 2019.

Điều này đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức trong tương lai về kinh tế - xã hội, yêu cầu thúc đẩy các chính sách khuyến sinh tại những khu vực có tỉ lệ sinh thấp, khu vực thành thị ít hơn nông thôn.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do áp lực kinh tế, chi phí nuôi dạy con ngày càng tăng, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và nhà ở. Tâm lý ưa thích cuộc sống độc thân, kết hôn muộn hoặc không sinh con trở nên phổ biến. Nhiều phụ nữ phải đối mặt với xung đột giữa công việc và trách nhiệm gia đình.

Việt Nam với lợi thế "dân số vàng" hiện nay, cần tập trung đầu tư vào giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng dân số. Chính sách khuyến khích mức sinh không chỉ nhằm đối phó với tình trạng suy giảm dân số mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển xã hội bền vững.

Theo TS Nguyễn Thị Hoài Hương - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, kết hôn muộn và sinh ít con là xu hướng chung ở các đô thị nói chung và TP.HCM nói riêng, điều này xuất phát từ sự thay đổi về nhận thức của giới trẻ đối với học vấn, sự nghiệp và trải nghiệm cá nhân.

Nếu không có các chính sách điều chỉnh kịp thời, xu hướng này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt dân số trẻ trong tương lai, gia tăng các gánh nặng chăm sóc người cao tuổi và áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

Do đó cần nhiều chính sách để khuyến sinh như cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các cặp đôi kết hôn và sinh con, như các khoản trợ cấp tiền mặt, giảm thuế hoặc hỗ trợ chi phí sinh hoạt, đặc biệt là trong những năm đầu sinh con.

Bên cạnh đó, cần thiết lập các gói vay ưu đãi cho các gia đình trẻ, giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính khi lập gia đình và sinh con.

Mở rộng hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ công lập và giảm chi phí cho các dịch vụ này, giúp gia đình có thể cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái. Khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập chính sách thân thiện với gia đình như: giờ làm việc linh hoạt, chế độ nghỉ phép cho cha mẹ hoặc khu vực trông giữ trẻ ngay tại nơi làm việc.

Đảng viên sinh con thứ 3 bị kỷ luật thế nào?

Trước đó, theo quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, việc kỷ luật đảng viên vi phạm về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình rất "nghiêm ngặt".

Trong đó, quy định cụ thể mức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến khai trừ đối với đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5.

Đến năm 2022, Bộ Chính trị ban hành quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định mới này đã không còn liệt kê các hành vi đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5 bị kỷ luật mà thay vào đó là cụm từ "vi phạm chính sách dân số".

Theo đó, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên sẽ vi phạm chính sách dân số. Cụ thể, nếu sinh con thứ 3, đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách (trừ một số trường hợp nhất định).

Cần tính toán cân bằng chỉ số hạnh phúc và chỉ số tăng trưởng kinh tế

TS Hồ Bá Thâm, phó chủ tịch Hội khoa học Phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam, cho hay tuổi thọ ngày càng tăng cùng với xu hướng mức sinh giảm đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, dự đoán sẽ bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2038.

Những năm gần đây, tỉ lệ sinh ở Việt Nam đã có xu hướng giảm rõ rệt. Tổng tỉ suất sinh của Việt Nam đang ở mức thấp nhất Đông Nam Á (2 con/phụ nữ). Hệ quả của giảm tỉ lệ sinh là gia tăng già hóa dân số, khiến đất nước đối mặt với tình trạng "chưa giàu đã già". Điều này đặt ra nhiều thách thức kinh tế, xã hội như cơ cấu và quy mô dân số, giảm số lượng lao động...

Kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy họ đã tính toán cân bằng giữa chỉ số hạnh phúc và chỉ số tăng trưởng kinh tế, xã hội, đó là bài học quan trọng cần tham khảo. Tăng trưởng kinh tế cao mà đi kèm với già hóa dân số nhanh và mức sinh giảm kéo dài không thể coi là hạnh phúc thực sự.



Nguồn: https://tuoitre.vn/khong-ky-luat-nguoi-sinh-con-thu-3-chinh-sach-thiet-thuc-de-khuyen-sinh-20250220001755369.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available