Thổ Nhĩ KỳTranh thủ gom tài sản giá rẻ những khi khủng hoảng kinh tế, Yildirim từ quy mô 15 nhân sự thành gã khổng lồ ngành hàng hải.
Tổng tài sản ròng của 10 ông trùm giàu có nhất ngành vận tải biển là 155 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index, tăng từ khoảng 60 tỷ USD đầu năm 2020. Các gia đình có tiếng tăm trong ngành này đang chạy đua để bung tiền đầu tư, vừa để củng cố vị thế trong ngành vừa đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác.
Trong đó, Yildirim Holding (Thổ Nhĩ Kỳ) là điển hình. Nhờ sở hữu lượng tiền mặt lớn sau đại dịch, họ đang chuẩn bị chi 10 tỷ USD để đầu tư điện mặt trời, nhà máy phân bón tại Mỹ và các khu vực khác.
Sự thành công của Yildirim Holding phần lớn nhờ sự dẫn dắt của tỷ phú Robert Yuksel Yildirim, hiện 61 tuổi. Là con trai giữa của gia đình Yildirim chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, Robert có bằng thạc sĩ về kỹ thuật cơ khí tại bang Oregon (Mỹ).
Trước đó, cha mẹ đồng ý cho ông sang Mỹ học tiếng Anh với điều kiện phải quay lại Thổ Nhĩ Kỳ sau 3 năm. Nhưng cuối cùng ông ở lại Mỹ lâu hơn và nhận công việc tại Tập đoàn Mitsui ở California chuyên thiết kế cần cẩu cho các cảng.
5 năm sau tốt nghiệp, Robert mới trở về gia nhập công việc kinh doanh của cha, tức đầu những năm 1990, khi công ty chỉ có 15 nhân viên. Với góp sức của ông, công ty sau đó nhanh chóng đạt được thỏa thuận nhập khẩu than từ Nga.
Khoảng hai thập kỷ trước, Robert lần đầu tiên nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng kinh tế. Năm 2004, ông và anh em nhà Yildirim mua lại một công ty sản xuất phân bón và một nhà khai thác crôm đã phá sản ở địa phương. Cả hai đều sa sút trong cuộc khủng hoảng nợ năm 2001 của Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi luôn chấp nhận thử thách làm những việc khó khăn nếu nó có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn”, Robert cho biết.
Ván cược làm ăn lớn nhất là vào khoảng 14 năm trước. Chính nhờ kinh doanh cảng mà Yildirim làm quen với tập đoàn vận tải container CMA CGM (Pháp). Dẵn dắt bởi nhà sáng lập Jacques Saade, CMA CGM đứng trước bờ vực sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tập đoàn cũng là nạn nhân của đợt sụt giảm kéo dài theo chu kỳ trong ngành vận tải biển, buộc họ phải đàm phán lại các khoản nợ và tìm kiếm nguồn vốn mới.
Với vai trò là Giám đốc điều hành thế hệ thứ hai của Yildirim, Robert ra tay giải cứu. Công ty con của tập đoàn này đã chuyển 500 triệu USD cho CMA CGM, đổi 20% cổ phần. Thỏa thuận giúp Yildirim Holding có 3 trong số 10 ghế trong hội đồng quản trị CMA CGM. Sở hữu được nâng lên 24% một vài năm sau đó.
Scott Ashford, Hiệu trưởng Trường kỹ thuật bang Oregon, người đã biết Yildirim trong một thập kỷ, cho biết CEO này coi trọng các mối quan hệ và có tư duy chiến lược. “Ông ấy dường như luôn tự hỏi mình có lợi thế cạnh tranh gì”, Scott nói.
Yildirim Holding đã hai lần suýt bán cổ phần tại CMA CGM. Một lần vào năm 2015 và một lần năm 2017, khi họ đang cân nhắc mua nhà điều hành cảng Ports America Holdings (Mỹ).
Quyết định giữ lại cổ phần được đền đáp lớn. Kể từ đầu năm 2020, tổng số tiền chi trả cổ tức của CMA CGM đã lên tới hơn 4,9 tỷ USD. Gần một phần tư trong số đó đã chảy vào túi Yildirim Holding. Riêng năm ngoái, cổ phần tại CMA CGM mang về cho tập đoàn 600 triệu USD cổ tức.
Cho đến nay, đây là tài sản lớn nhất của Yildirim Holding, giúp giá trị tập đoàn đạt 6,7 tỷ USD, theo Bloomberg. Nhờ quả ngọt từ CMA CGM, tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ này đang sở hữu 20 bến cảng. Họ cũng là nhà sản xuất high-carbon ferrochrome (một loại hợp kim của crôm) lớn thứ hai thế giới, một trong những công ty khai thác quặng crôm lớn nhất và có hoạt động kinh doanh trải rộng trên 56 quốc gia.
Thời Covid-19, tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu giúp giới kinh doanh vận tải biển hốt bạc, trong đó có Yildirim Holding. Giá trị của tập đoàn đã tăng 3 lần trong ba năm qua, giúp người nhà Robert thành tỷ phú.
Tuy nhiên, giá cước container đã giảm 77% năm qua sau khi tăng vọt trong đại dịch. Các quy tắc toàn cầu hạn chế phát thải carbon của tàu thuyền đang nhanh chóng có hiệu lực, đòi hỏi phải nâng cấp tốn kém và lợi nhuận giảm dần khi giá cước hàng hóa giảm. Cuộc chiến ở Ukraine và các xung đột địa chính trị khác, cùng những mối đe dọa từ những băng đảng tội phạm càng gây thêm áp lực.
Vì vậy, CEO Robert Yildirim hiểu rằng thời gian là điều cốt yếu để hành động. Tập đoàn này tung ra kế hoạch đầu tư trị giá 10 tỷ USD, bao gồm việc mở rộng sang lĩnh vực nhà máy amoniac và urê ở Mỹ, các nhà máy năng lượng mặt trời ở Albania, Croatia, El Salvador, Kosovo và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, vốn đã là một trong những nhà khai thác cảng container lớn nhất thế giới, CEO Robert cũng có ý định phát triển thêm kinh doanh cảng. “Chúng tôi muốn trở thành một trong những nhà điều hành cảng vận chuyển trái cây lớn nhất ở Mỹ”, ông nói. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy nước này nhập khẩu 19,3 tỷ USD trái cây tươi và đông lạnh năm qua.
Ngay cả trước khi đại dịch mở ra thời kỳ bùng nổ của cải như hiện nay, Robert Yildirim đã thể hiện xu hướng đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh. 6 năm qua, ông cũng đã đầu tư 70 triệu USD vào câu lạc bộ bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ Samsunspor. Đội sẽ giành chức vô địch giải hạng hai năm nay, đủ điều kiện tham dự giải đấu hàng đầu của đất nước vào mùa giải tới.
Việc làm ăn của nhà Yildirim phát đạt nhưng cũng đi cùng đó là tranh chấp nội bộ. Robert có hai người anh em là Ali Riza và Mehmet. Trong đó, Mehmet đã qua đời vì cơn đau tim vào năm 2017. Vì vậy, Robert và Ali Riza quyết định mua lại cổ phần của Mehmet vào năm ngoái. Họ trả 150 triệu USD mỗi người cho con trai và con gái của Mehmet, với lập luận nó tương đương giá trị cổ phần mà Mehmet nắm giữ tại thời điểm qua đời.
Cansu, con gái của Mehmet, đã chấp nhận. Nhưng người con trai Huseyin Can, không đồng ý và cho rằng 16,7% cổ phần mà ông được thừa kế có giá trị lên đến 4,2 tỷ USD. Vào tháng 2/2023, ông khởi kiện hai người chú của mình. Một tòa án địa phương đã bác bỏ đơn kiện vào tháng 3, nhưng cuộc tranh chấp pháp lý có thể chưa kết thúc. Các luật sư của Huseyin Can cho biết ông dự định kháng cáo hoặc khởi kiện lại sau khi tòa án công bố lý do bác đơn.
Tình huống như vậy thường xảy ra thường xuyên trong các gia đình giàu có, đặc biệt là những gia đình phất lên nhanh chóng, theo David Werdiger, một nhà văn và cố vấn cho các doanh nghiệp gia đình. “Tranh chấp như vậy thường là một biểu hiện của sự ghen tị và oán hận còn sót lại”, Werdiger nói.
Phiên An (theo Bloomberg)