TP HCMChị Dung, 38 tuổi, ung thư vú giai đoạn hai, bạn bè khuyên uống thuốc nam nhưng chị từ chối, sau khi được phẫu thuật bỏ khối u, tái tạo ngực, sức khỏe ổn định.
Trước đó, hồi tháng 11, chị Dung khám sức khỏe định kỳ bất ngờ phát hiện ung thư vú. “Tôi đi khám do em gái thúc giục, không nghĩ mình mắc ung thư vú do không có triệu chứng”, chị Dung nói.
Ngày 25/12, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân mắc ung thư ở vú phải, giai đoạn hai. Phương án điều trị là mổ cắt tuyến vú, tái tạo vú bằng vạt da cơ thẳng bụng (vạt TRAM).
Để thực hiện kỹ thuật này, sau khi đoạn nhũ ung thư, bác sĩ lấy phần mô da ở bụng dưới, mỡ và cơ thẳng bụng của chính người bệnh để tái tạo ngực. Cách này cũng giúp bụng trông phẳng hơn vì đã lấy đi phần mỡ thừa.
Bác sĩ Tấn cho biết ca phẫu thuật thành công, sức khỏe chị Dung ổn định, bụng phẳng, ngực được tái tạo đầy đặn. Người bệnh tiếp tục hóa trị để tiêu diệt hết tế bào ung thư.
“Nhiều người khuyên tôi ăn thực dưỡng, uống thuốc nam để tiêu u, không nên mổ vì dễ làm bệnh nặng”, chị Dung nói, thêm rằng nhờ tin vào y học hiện đại, phác đồ điều trị khoa học của bác sĩ, nay sức khỏe ổn định, tóc mọc dài sau hóa trị, ngực được tái tạo như chưa từng mắc bệnh.
Theo bác sĩ Tấn, phẫu thuật loại bỏ khối u cần đánh giá đúng mức độ bệnh, thực hiện đúng nguyên tắc về an toàn trong ung thư, tránh tế bào bướu vỡ ra, gieo rắc nhiều nơi khiến bệnh nặng hơn. Do đó, người bệnh ung thư nên khám với bác sĩ chuyên khoa Ngoại Vú để được điều trị hợp lý.
Tùy vào mức độ lan rộng, bác sĩ chọn phương pháp điều trị tương ứng. Trường hợp u chưa lan rộng (giai đoạn một và hai), người bệnh có thể được phẫu thuật, sau đó hóa trị, xạ trị. Nếu u lan rộng (giai đoạn 3-4) cần hóa trị trước phẫu thuật. Người bệnh còn được tư vấn về tái tạo ngực để tránh vấn đề tâm lý khi trở lại cuộc sống, công việc hàng ngày.
Chị Dung tham gia trồng rừng, cải tạo môi trường và chất lượng cuộc sống từ thời sinh viên, đến nay đã trồng hơn 10.000 cây xanh tại nhiều tỉnh thành. Suốt thời gian điều trị tại bệnh viện, chị thường xuyên trao đổi cùng đồng đội để triển khai tiếp dự án trồng rừng tại Đồng Nai.
“Nhìn những hình ảnh cây xanh lớn lên mỗi ngày do đồng đội gửi, tôi như tiếp thêm sức mạnh để vượt qua ung thư, sống ý nghĩa và làm nhiều việc hơn cho cộng đồng”, bệnh nhân nói.
Nguyễn Trăm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |