Từng cùng mẹ đi bốc vác để kiếm sống, Thiện trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về kỹ thuật xây dựng, được một số trường ở Mỹ mời phỏng vấn cho vị trí giáo sư bậc 1.
Trần Quốc Thiện, 31 tuổi, trúng tuyển chương trình sau tiến sĩ ở Đại học Texas-Austin, hồi tháng 12/2023. Đây là ngôi trường xếp hạng 4 về kỹ thuật xây dựng ở Mỹ, theo US News, vượt qua cả Đại học Stanford, Cornell, MIT.
Anh cũng được Đại học Princeton mời phỏng vấn cho một chương trình tương tự, nhưng từ chối vì không thể bỏ qua cơ hội học hỏi giáo sư Maria Juenger, phó chủ tịch Viện Bê tông Mỹ, nơi phát triển và áp dụng các tiêu chuẩn về bê tông, với 30.000 thành viên từ hơn 100 quốc gia.
Trước đó, Thiện bảo vệ thành công tiến sĩ Kỹ thuật xây dựng, cùng tấm bằng thạc sĩ Khoa học vật liệu ở Đại học Bách khoa Virginia, trong gần 3 năm, dù thông thường cần khoảng 5-6 năm để hoàn thành. Tại đây, Thiện tham gia nhiều dự án nghiên cứu về ứng dụng của vật liệu tái chế công nghiệp, được tài trợ bởi Không quân hay Trung tâm nghiên cứu lốp xe Mỹ…
Ngoài ra, Thiện được hai đại học mời phỏng vấn cho vị trí assistant professor (một trong ba bậc giáo sư ở Mỹ, gồm: assistant, associate và full professor). Anh nhìn nhận mình có thể chưa thành công ngay nhưng vẫn hào hứng chờ kết quả.
“Tôi không ngại thất bại. Có tên trong short-list (danh sách rút gọn) của các trường nghĩa là mình vượt qua 90% của 200-300 ứng viên trong ngành rồi, mình phải tự tin chứ”, anh nói.
Thiện sinh ra ở vùng ngoại ô huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Bố mất khi chưa tròn 2 tuổi, anh em Thiện sớm cùng mẹ bươn chải nhiều công việc chân tay để sống.
“Tôi từng chẳng có ước mơ gì ngoài việc mẹ bán hết xôi. Lớn lên chút, nghĩ phải quyết tâm thoát nghèo nên tôi ham làm và cũng ý thức tự học”, anh chia sẻ.
Suốt những năm cấp ba, ngoài giờ học, Thiện còn đi bốc vác, vận chuyển vật liệu xây dựng cùng mẹ, bất kể ngày hay đêm, miễn là có việc. Quan sát thấy ngành xây dựng có nhiều cơ hội việc làm, Thiện đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào khoa Xây dựng cầu đường, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, và trúng tuyển.
Anh nhìn nhận mình học tốt nhưng không xuất sắc, tiếng Anh cũng chưa thạo. Đến năm thứ ba đại học, khi tham gia các hoạt động thiện nguyện, Thiện quen và được một bác người Australia dạy tiếng Anh miễn phí.
“Nhưng lúc đầu, tôi học không hiểu nên bỏ. Sau đi làm, nhận thấy vai trò của tiếng Anh, tôi chủ động học với sự giúp đỡ của bác nên nhanh lắm, sau một năm là dùng được tiếng Anh rồi”, Thiện nhớ lại.
Năm 2016, khi đã làm kỹ sư xây dựng được một thời gian, Thiện muốn học thêm và “thoát khỏi cuộc sống lặp đi lặp lại”. Anh tình cờ biết có giáo sư ở Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc, về Hà Nội và TP HCM tuyển học viên thạc sĩ. Không thể nghỉ làm nhưng cũng muốn chớp cơ hội, Thiện “đánh liều” gửi email cho giáo sư, xin phỏng vấn qua Skype. Anh thành thật nói mình chưa giỏi chuyên môn, kinh tế khó khăn, nhưng rất quan tâm đến nghiên cứu vật liệu xây dựng.
“Sau này, giáo sư kể đã cân nhắc tôi và một bạn khác giỏi lắm. Cuối cùng, ông chọn tôi, có lẽ vì sự thành thật và nhiệt tình khi đó”, Thiện chia sẻ.
Nhờ vậy, tháng 3/2017, Thiện đặt chân đến Hàn Quốc với học bổng toàn phần, có cơ hội tiếp cận công nghệ và môi trường học tập, làm việc hiện đại. Thiện tham gia nghiên cứu nhiều đề tài như Đánh giá an toàn cho hệ thống đường hầm dẫn điện (do Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc tài trợ), Tái sử dụng phế thải công nghiệp dùng trong kỹ thuật gia cố đất ở Hàn Quốc (Quỹ nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc tài trợ)…
Thiện nhìn nhận giáo sư người Hàn khó tính và đòi hỏi cao, khiến anh gặp không ít áp lực. Nhưng nhờ vậy, chàng trai Đà Nẵng có được một hồ sơ mạnh sau khi học xong, mở ra nhiều cơ hội học bổng ở các trường hàng đầu về kỹ thuật xây dựng tại Australia và Mỹ, trong đó có Đại học Bách khoa Virginia – xếp thứ 6 ở Mỹ về chuyên ngành Xây dựng.
Thời gian nghiên cứu tiến sĩ, Thiện tự hào nhất khi đã phát triển mô hình thí nghiệm mới trong đo đạc khả năng hấp thụ CO2 của bê tông xi măng. Anh cho biết việc sản xuất một tấn xi măng sẽ thải ra xấp xỉ một tấn khí CO2 vào bầu khí quyển. Bởi vậy, nhiều nhóm nghiên cứu hàng đầu thế giới đang nỗ lực tìm cách làm tăng khả năng hấp thụ CO2 của vật liệu có sử dụng chất kết dính thủy hóa.
Để làm được điều này, họ cần đến một chiếc máy có giá vài chục đến hàng trăm nghìn USD để đo đạc. Anh cùng giáo sư hướng dẫn kết hợp với Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật quốc gia Mỹ (NIST), phát triển một mô hình thí nghiệm hóa học đơn giản hơn, có tên “digestion-titration method”, giúp tiết kiệm 80% thời gian đo đạc, ra kết quả tương đương và có chi phí rẻ hơn nhiều lần.
“Việc này có ý nghĩa quan trọng, nhất là ở những nơi vẫn còn hạn chế về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm”, Thiện cho biết.
Anh và nhóm nghiên cứu đang xúc tiến xây dựng tiêu chuẩn vật liệu Mỹ cho mô hình thí nghiệm này. Anh cũng tiếp tục nghiên cứu để tạo ra xi măng thải CO2 ít hơn 40% so với loại thông thường.
TS Hoàng Phương Tùng, giảng viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, biết Thiện khi anh nghiên cứu khoa học ở bộ môn Đường ô tô. Thầy Tùng là người đầu tiên gợi ý Thiện du học vì nhận thấy học trò có khả năng học lên cao.
“Thiện không phải sinh viên giỏi nhất nhưng cầu tiến, nhanh nhẹn, thích khám phá và thử thách. Đặc biệt, Thiện rất siêng năng”, thầy Tùng chia sẻ.
Nhìn lại hành trình của mình, Thiện cho rằng ngoài tuổi thơ cơ cực, sự bền bỉ học được từ người mẹ, sự tò mò về lĩnh vực xây dựng anh mà được gắn bó từ rất sớm đã giúp mình tiến lên trên con đường học vấn.
“Khi bạn phải học thứ gì đó một cách bắt buộc, cho dù bạn xuất sắc bao nhiêu cũng không thể đi xa. Ngược lại, nếu bạn thấy tò mò và thú vị, bạn sẽ học nó rất nhanh, một cách bền bỉ. Và tất nhiên kết quả sẽ tốt hơn”, Thiện cho hay. Mục tiêu của anh là trở thành giáo sư, giảng dạy và nghiên cứu về khoa học vật liệu xây dựng ở Mỹ.
Phương Anh – Vnexpress.net