TP – Là một đứa trẻ mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch, bị bỏ rơi ở chân cầu lúc còn đỏ hỏn, Lê Văn Lộc đã trở thành tân sinh viên đại học nhờ vào sự yêu thương, đùm bọc của các sơ ở cô nhi viện.
TP – Là một đứa trẻ mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch, bị bỏ rơi ở chân cầu lúc còn đỏ hỏn, Lê Văn Lộc đã trở thành tân sinh viên đại học nhờ vào sự yêu thương, đùm bọc của các sơ ở cô nhi viện.
Tự ti vì hoàn cảnh
“Em đứng ở một góc sân trường nhìn các bạn được ba mẹ đưa đi học, cảm giác lúc đó thật sự cô đơn và tủi thân. Dần dần, em không dám tiếp xúc với ai. Em sợ ánh nhìn của mọi người và sự chê bai của họ”, Lê Văn Lộc (tân sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) kể về quãng thời gian mặc cảm của bản thân lúc học phổ thông.
Cảm giác lạc lõng, cô đơn xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt của nam sinh này. 18 năm trước, Lộc bị bố mẹ bỏ rơi ở chân cầu Bà Tá (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Vợ chồng người thợ hồ vô tình đi ngang qua đã phát hiện khi nghe thấy tiếng khóc trẻ con. Cậu bé được đưa đến Cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Ở đây, cậu bé được sống trong tình yêu thương, bao bọc của các sơ và được các sơ đặt cho cái tên Lê Văn Lộc.
Ngày lớp cấp 3 chụp kỷ yếu, Lê Văn Lộc mời sơ Nguyễn Thị Kim Hà đến trường chụp chung tấm ảnh |
Kể về tuổi thơ của mình, Lộc cho biết bản thân nhút nhát do tự ti vì ngoại hình và hoàn cảnh. Bước ngoặt quan trọng đến từ năm em học lớp 11, khi em được gặp cô giáo Phan Thị Kim Chi (giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng). “Cô khuyên em không cần quan tâm tới ánh nhìn của người khác, phải thoát khỏi nỗi sợ để phát triển bản thân. Từ đó, em cảm thấy tự tin hơn, có thêm nhiều động lực để học tập tiến bộ. Đó là bước ngoặt quan trọng nhất cuộc đời em”, Lộc kể.
Vốn thông minh và cần cù, chịu khó, Lộc đạt nhiều thành tích trong học tập, như giải Nhì môn Lịch sử cấp tỉnh. Lộc cũng đậu vào ngành Quan hệ công chúng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Chưa từng đi xa, nay phải xa vòng tay các sơ vào TPHCM học tập, Lộc cho biết thời gian đầu em rất cô đơn vì nhớ nhà. Môi trường đại học với cách học khác biệt, bạn bè từ mọi vùng miền cũng khiến em choáng ngợp.
“Sau một thời gian ở TPHCM, em đã dần thích nghi và bắt nhịp với cuộc sống sôi động nơi đây. Hiện em giữ chức bí thư, lớp phó của lớp và là Đại sứ sinh viên của trường. Những hoạt động ngoại khóa giúp em nâng cao kỹ năng giao tiếp, tiếp xúc đám đông. Em đã cởi mở và hoạt bát hơn trước rất nhiều”, Lộc cười nói.
Không đơn độc
Nhớ lại lúc mới nhìn thấy Lộc, sơ trưởng Nguyễn Thị Kim Hà (Cô nhi viện Phú Hòa) cho biết cả cô nhi viện ai cũng lo lắng khi có thêm một em bé đỏ hỏn. Vì dị tật hở hàm ếch nên mỗi lần cho Lộc uống sữa là mỗi lần thót tim. Sữa không được Lộc nuốt hết vào miệng mà cứ trào lên mũi nên các sơ phải rất kiên nhẫn, khéo léo mới xong một cữ sữa. Chưa đầy một tuổi, Lộc được đưa đi phẫu thuật đóng khoảng hở vòm môi. Sau đó, em phải trải qua 2 ca phẫu thuật chỉnh hình khác. Khiếm khuyết dần mất đi nhưng những vết sẹo lớn vẫn còn.
Theo sơ Hà, Lộc là một đứa trẻ rất ngoan và học rất giỏi. Lúc rảnh rỗi, em thường xuống bếp thay các sơ nấu cơm, chế biến thức ăn cho các em, phụ các sơ chăm sóc các em nhỏ cùng chung hoàn cảnh. Trong thời gian học phổ thông, Lộc lại phải trải qua một khoảng thời gian đấu tranh nội tâm vì bị các bạn trêu chọc, gọi là quái vật. Mỗi lần thấy Lộc buồn, các sơ phải ở cạnh động viên.
“Nghe tin con đỗ đại học, các sơ ở đây ai cũng mừng. Mong con sẽ vững chắc trên con đường ước mơ của mình, các sơ sẽ vẫn luôn dõi theo, đồng hành cùng con, không để con đơn độc một mình. Chi phí học tập sẽ được các sơ vận động nhà hảo tâm giúp đỡ nên con cứ yên tâm”, sơ Hà nói.
Mái nhà của hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi
Nằm nép mình giữa vùng quê thanh bình, suốt gần 50 năm qua Cô nhi viện Phú Hòa được biết đến là mái ấm của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi. Những đứa trẻ không nơi nương tựa ấy đã được đưa về đây, được chăm sóc và lớn lên trong tình yêu thương của các sơ. Hiện tại Cô nhi viện Phú Hòa đang nuôi nấng 34 trẻ bị bỏ rơi. Trong đó, trẻ nhất chưa đầy 1 tuổi, đứa lớn nhất đã đi học đại học. Tất cả đều ngoan ngoãn, lễ phép và cực kỳ quấn quýt khi thấy người lạ tới thăm.
Ngần ấy năm, trải qua nhiều đời sơ phụ trách, các sơ ở đây vẫn luôn là những người mẹ tận tâm, chăm lo đầy đủ cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Sẵn sàng gạt đi những khao khát hạnh phúc riêng của bản thân để cùng nhau nuôi dưỡng nụ cười cho những đứa trẻ bất hạnh… Gần nửa thế kỉ trôi qua, lần lượt những đứa trẻ ở cô nhi viện lớn lên và tự tìm thấy hạnh phúc của riêng mình. Rồi lại có những đứa trẻ mồ côi khác đến với cô nhi viện, đến với các sơ, như một sự sắp đặt của nhân duyên.
Nguồn: https://tienphong.vn/tu-cau-be-bi-bo-roi-o-chan-cau-den-dai-su-sinh-vien-post1702447.tpo