Nhiều người Việt xin visa Schengen bị trượt nhưng không hiểu vì sao bởi lý do được đưa ra “chung chung”.
Ngô Mai, du khách quê Nam Định, xin visa Pháp để đi du lịch cùng bạn nhưng nhận được kết quả trượt vào ngày 12/4. Lý do được đưa ra là “các thông tin cung cấp về mục đích chuyến đi chưa đáng tin cậy”. Theo Mai, đây là lý do khá chung chung, gây khó hiểu. Du khách này nghĩ mình bị đánh trượt vì hai yếu tố: là mẹ đơn thân và lương tháng có vẻ hơi thấp, từ 10-12 triệu đồng. Trước đó, Mai đã đi Thái Lan và Ấn Độ hai lần.
“Tôi khá buồn vì mình đủ thu nhập để đi chơi nhưng lại bị đánh trượt visa”, cô chia sẻ.
Việc trượt visa Pháp khiến Mai mất khoảng 8 triệu đồng tiền nộp hồ sơ và hủy đặt phòng khách sạn, vé máy bay. Sau đó, cô đã đi du lịch Dubai (UAE) trong bốn ngày. Mai vẫn chưa từ bỏ dự định du lịch châu Âu và nghĩ sẽ giải trình trong hồ sơ xin visa rõ ràng hơn để được xem xét. Ví dụ, cô sẽ nói rõ lý do chuyến đi, người đồng hành và chứng minh mình chắc chắn trở lại Việt Nam vì còn con nhỏ.
Thậm chí, một người thu nhập cao cũng có thể bị đánh trượt hồ sơ như trường hợp của Linh Nga (sống tại Hà Nội). Cô cho biết mình làm trong công ty gia đình, đứng tên doanh nghiệp, thu nhập tốt và có đầy đủ thông tin chứng minh tài chính. Tuy nhiên, Nga vẫn bị đánh trượt khi xin visa Pháp. Nữ du khách nghĩ điểm trừ duy nhất của mình là mới 23 tuổi, còn độc thân và lịch sử du lịch chỉ có một số nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.
Ông Hoàng Tuấn, đại diện một công ty lữ hành ở Hà Nội làm dịch vụ xin visa Schengen (gồm 27 quốc gia châu Âu), cho biết xin visa Schengen không dễ vì đây là thị trường cao cấp, yêu cầu tệp khách hàng có tài chính, điều kiện. Các hồ sơ bị đánh trượt thường chỉ được ghi lý do “chung chung” và việc khiếu nại không đem lại kết quả gì.
Theo ông Tuấn, không có quy định cụ thể nhưng một số trường hợp sau thường dễ bị đánh trượt khi xin visa Schengen dù hồ sơ đẹp: hồ sơ và tên khách nằm trong danh sách đen của Đại sứ quán hoặc nước sở tại do trước kia đã từng nhập cảnh bất hợp pháp, phạm tội; khách có người thân (có tên trên sổ hộ khẩu) từng có lịch sử đi lại không đúng mục đích tại nước sở tại; khách hàng là mẹ đơn thân, từng ly hôn hoặc có kết hôn nhưng chưa có tên trong sổ hộ khẩu nhà chồng; khách có quan hệ tiền gửi với ngân hàng nước sở tại quá nhiều hoặc có dấu hiệu rửa tiền.
Sau khi trượt visa, nhiều du khách Việt cho biết sẽ tìm tới các công ty để làm dịch vụ xin visa với mong muốn có thể “trót lọt” lần sau. Tuy nhiên, đây cũng không phải phương án tối ưu, đảm bảo tỷ lệ đậu cao như nhiều người nghĩ.
Ông Đặng Duy Khánh, Giám đốc bán hàng của Group Tours, cho biết khi nhận hồ sơ từ khách, các nhân viên sẽ sàng lọc lại nhằm tránh mất thời gian. Bước này giúp công ty lọc được khoảng 50% hồ sơ chưa ổn và những hồ sơ đã qua sàng lọc có thể đạt tỷ lệ đậu khoảng 80%. Do đó, yếu tố cá nhân trong mỗi bộ hồ sơ là điều quan trọng, các công ty làm dịch vụ cũng không đảm bảo 100% đậu.
Đại diện một đơn vị lữ hành cho biết visa Schengen là dạng visa dán, yêu cầu hồ sơ đầy đủ, chặt chẽ hơn so với e-visa. Vì thế, một bộ hồ sơ “đẹp” thường phải đảm bảo đủ ba điều kiện ban đầu gồm nhân thân, tài chính, công việc. Riêng phần tài chính, khách hàng cần chứng minh mình có đầy đủ kinh tế, có nhiều tài sản gắn với cá nhân như đăng ký xe ôtô, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu sẽ là điểm cộng. Tuy nhiên, các tài sản này phải “hiện hữu và không bị thế chấp”.
Ở phần công việc, khách cần đảm bảo có công việc rõ ràng, làm trong doanh nghiệp hàng đầu là lợi thế. Nếu làm trong công ty tư nhân, thời gian làm việc cần trên một năm, có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, có đơn xin nghỉ phép của công ty, nhận lương chuyển khoản từ công ty.
Để có bộ hồ sơ đẹp, nhiều đơn vị làm dịch vụ sẽ hướng dẫn du khách “làm đẹp” hồ sơ. Đại diện đơn vị lữ hành nói sẽ có hai kiểu “làm đẹp” là “hợp pháp” và “không hợp pháp”. Kiểu đầu tiên là tư vấn cho khách hàng bổ sung một số yếu tố còn thiếu, ví dụ khuyến khích họ đi thêm các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản để tăng “lịch sử đẹp” trước khi xin visa Schengen.
Tuy nhiên, một số đơn vị làm dịch vụ có thể khuyên khách làm giả thông tin như khai khống thu nhập, hồ sơ công việc. Điều này không thực sự giúp ích cho khách hàng bởi tỷ lệ trượt vẫn khá cao.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc ban Tiếp thị Vietravel, cho biết gần đây thủ tục visa cũng đã được nới lỏng khi thời gian xét duyệt hồ sơ là 15 ngày làm việc (không tính thứ 7, chủ nhật và lễ, Tết). Tuy nhiên, vấn đề xin visa du lịch đến một số nước trong khối Schengen như Pháp Đức vẫn còn là trở ngại lớn đối với nhiều du khách. Những quốc gia này có khá nhiều yêu cầu như lịch sử du lịch tốt, công việc ổn định, khả năng tài chính vững mạnh cũng như các yêu cầu khắt khe khác về hồ sơ.
Tú Nguyễn