Đại học Giao thông vận tải cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội có giá trị với nhóm kỹ thuật, song mong muốn kỳ thi mở rộng tổ hợp môn.
Tại hội nghị về tổ chức thi đánh giá năng lực sáng 28/12 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Giao thông vận tải, cho biết ngoài phương thức tuyển sinh chính là dùng điểm thi tốt nghiệp THPT, trường này còn dùng thêm điểm thi đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo ông Hà, trường Giao thông vận tải đặt mục tiêu tuyển 20% thí sinh từ điểm thi tư duy, tương đương 600-700 em. Tuy nhiên, trong năm đầu, chỉ 50 thí sinh trúng tuyển, năm vừa rồi có gần 200 em.
“Chúng tôi kỳ vọng vào kỳ thi tư duy, nhưng nhu cầu tuyển sinh hai năm gần đây chưa được đáp ứng”, ông Hà nói.
Để giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT, trường Đại học Giao thông vận tải cân nhắc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông Hà đánh giá kỳ thi này “có giá trị” với khối trường kỹ thuật nói chung, bởi vẫn thi rời từng môn, thuận tiện khi xét tuyển theo tổ hợp.
Song, ông Hà băn khoăn về lịch thi trong một ngày, thí sinh bị giới hạn lựa chọn vì có những môn trùng giờ nhau, nên có thể không thi đủ ba môn để xét tuyển vào nhiều trường khác.
“Nếu trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở rộng quy mô kỳ thi, làm sao để các em thoải mái lựa chọn thi ba môn thì nhiều trường kỹ thuật sẽ sử dụng được kết quả”, ông Hà nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP HCM, cũng đề xuất trường Sư phạm Hà Nội mở rộng nhóm thí sinh dự thi, cho phép học sinh lớp 11 thử sức, thay vì chỉ tổ chức cho lớp 12 như hiện nay.
“Chúng ta công nhận kết quả học sinh giỏi năm lớp 11 thì cũng nên cho các em dự thi. Còn chuyện dùng điểm này hay không thì sẽ do phương án tuyển sinh của từng trường”, ông Trung đề xuất.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực 2024 được giữ ổn định, cả về cách tổ chức, cấu trúc đề thi.
Kỳ thi diễn ra với 8 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, Ngữ văn có 30% câu hỏi dạng trắc nghiệm và 70% tự luận, Tiếng Anh có tỷ lệ câu hỏi trắc nghiệm tự luận là 80 – 20, các môn còn lại là 70-30%.
Kỳ thi dự kiến gói gọn trong một ngày 11/5/2024 với lịch thi như sau:
Ca thi | Bài thi | |
7h-8h30 | Toán (90 phút) | |
9h-10h30 | Ngữ văn (90 phút) | Tiếng Anh (60 phút) |
13h-14h | Vật lý (60 phút) | Lịch sử (60 phút) |
14h30-15h30 | Hoá học (60 phút) | Địa lý (60 phút) |
16h-17h | Sinh học (60 phút) | Tiếng Anh (60 phút) |
Theo ông Sơn, lịch thi hiện tại gói gọn trong ngày giúp thí sinh ở tỉnh thuận tiện đi lại. Các em có thể thi tối đa 5 môn, đều gồm những tổ hợp phổ biến nhất như Toán, Lý, Hóa (A00), Toán, Lý, Tiếng Anh (A01), Toán, Văn, Tiếng Anh (D01), Toán, Hóa, Sinh (B00), Văn, Sử, Địa (C00)…
“Các trường muốn sử dụng ba môn để xét tuyển theo tổ hợp thì kỳ thi vẫn có thể đáp ứng”, ông Sơn nói, thêm rằng hiện Sư phạm Hà Nội chưa có kế hoạch mở rộng quy mô thi đánh giá năng lực.
Kết quả kỳ thi này được 7 trường khối sư phạm cùng sử dụng để tuyển sinh, gồm Đại học Sư phạm TP HCM; các trường Sư phạm thuộc Đại học Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng; trường Đại học Vinh (Nghệ An), Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc) và Đại học Quy Nhơn. Năm ngoái, gần 4.700 thí sinh đăng ký thi tại Hà Nội và Bình Định.
“Các trường kỹ thuật có thể căn cứ kết quả, chất lượng của kỳ thi để đăng ký tham gia sử dụng kết quả”, ông Sơn nói.
Về việc mở rộng kỳ thi cho học sinh lớp 11, ông Sơn cho biết trường Sư phạm Hà Nội không muốn tạo áp lực cho thí sinh, nên những em thực sự có định hướng, nhu cầu thì nên đăng ký vào lớp 12.
Hiện cả nước có gần 10 kỳ thi xét tuyển đại học riêng, đông nhất là kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia, kỳ thi đánh giá tư duy của Bách khoa Hà Nội và kỳ thi của các trường công an.
Hơn một trăm trường đại học sử dụng kết quả các kỳ thi này để tuyển sinh đầu vào, bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp THPT và một số phương thức khác. Thí sinh dự các kỳ thi riêng tăng từng năm nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển đại học.
Thanh Hằng