Trong xu thế đa ngành, trường Kinh tế quốc dân hay Ngoại thương mở các ngành công nghệ là tất yếu, nhưng cần thận trọng, theo các chuyên gia.
Năm 2024, trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó bốn ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin, gồm Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Cả bốn ngành đều đào tạo hai hệ cử nhân và kỹ sư, chỉ tiêu dự kiến 50-100 mỗi ngành.
Tương tự, trường Đại học Ngoại thương (FTU) cũng dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, với chỉ tiêu trong năm nay là 30, các năm sau có thể tăng.
PGS.TS Bùi Đức Triệu và PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Đại học Kinh tế quốc dân và Ngoại thương, cho biết trường mình đều có chiến lược là trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
“Để phù hợp với mục tiêu và thời đại công nghệ số, việc phát triển thêm một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của trường”, ông Triệu nói, thêm rằng trường Kinh tế quốc dân đã mở ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính nhiều năm nay.
Tương tự theo bà Hiền, trường sẽ mở nhiều ngành, chương trình mới. “Khoa học máy tính là một trong những ngành công nghệ mà trường Đại học Ngoại thương sẽ mở”, bà Hiền nói.
Các ngành mới, dự kiến tuyển sinh từ năm 2024 của NEU. Ảnh chụp màn hình
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng việc đại học phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là tất yếu.
Trước đây, trường đại học chủ yếu đào tạo đơn ngành, do nhà nước quản lý, gắn liền với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Tuy nhiên, khi chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, các trường muốn tồn tại thì phải trở thành đa ngành, đa lĩnh vực.
Chẳng hạn Đại học Sư phạm Vinh, Sư phạm Quy Nhơn ban đầu chỉ đào tạo ngành sư phạm. Khi nhu cầu nguồn nhân lực ngành này bão hòa, các trường phải thu hẹp quy mô, hoạt động khó khăn nên dần phát triển thành trường đa lĩnh vực, không còn chữ “Sư phạm” trong tên trường. Nhiều trường tư thục hay các trường công lập đào tạo những ngành hẹp cũng mở rộng nhiều ngành mới, theo nhu cầu xã hội.
Như tại Đại học Kinh tế TP HCM, các ngành Kỹ thuật phần mềm, Robot và Trí tuệ nhân tạo, thuộc lĩnh vực máy tính, công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật, đã được đào tạo nhiều năm nay. Ở khối kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đào tạo Quản trị Kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán; trường Đại học Thủy lợi đào tạo Luật, Ngôn ngữ Anh, Trung Quốc.
Theo ông Khuyến, trong bối cảnh đó, các trường như Đại học Ngoại thương, dù rất “hot” trong đào tạo các ngành kinh tế, ngôn ngữ nhưng đến một lúc nào đó cũng phải phát triển thành đa ngành, theo xu thế chung.
Tuy nhiên, ông Khuyến nhấn mạnh việc kiểm soát chất lượng. Ông cho rằng khi mở bất kỳ ngành đào tạo nào, các trường cần có sự chuẩn bị chu đáo về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác như yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, Bộ cần xem xét rất kỹ lưỡng đề án khi trường trình lên.
“Nhu cầu nhân lực các ngành lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin hiện rất lớn. Các trường muốn đào tạo đa lĩnh vực mở các ngành thuộc nhóm này không có gì lạ nhưng khi phải đảm bảo chất lượng, không thể theo phong trào”, ông Khuyến nói.
TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cũng cho rằng các trường đại học vốn có truyền thống đào tạo khoa học xã hội nên thận trọng khi mở ngành về công nghệ, kỹ thuật.
“Đào tạo kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi hệ thống hạ tầng phục vụ, mối liên hệ với các tổ chức doanh nghiệp trong lĩnh vực đó. Đây đều là những tiêu chí phải chuẩn bị dài hơi, công phu”, ông Phương nói. Ông cho rằng nếu mở ngành mới về công nghệ, những đại học nhóm khoa học xã hội nên tìm cách “lai” với lĩnh vực thế mạnh của mình.
Sinh viên trường Đại học Ngoại thương tốt nghiệp đợt tháng 3/2023. Ảnh: FTU Corner
Trước những lo ngại về chất lượng khi một trường đại học khối khoa học xã hội lại mở ngành công nghệ, bà Hiền cho biết trường Ngoại thương đã chuẩn bị kỹ. Kế hoạch mở ngành Khoa học máy tính được trường xây dựng từ năm 2021. Sau khi có khung, trường thực nghiệm bằng cách đưa Khoa học máy tính thành một chương trình đào tạo ngắn hạn, có thời lượng 15 tín chỉ trong ba tháng. Sinh viên trong và ngoài trường học xong sẽ được cấp chứng chỉ.
Bên cạnh đó, ngành Khoa học máy tính của Ngoại thương được xây dựng theo hướng ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh để tận dụng được thế mạnh đào tạo.
Bà Hiền nhìn nhận thách thức khi mở ngành Khoa học máy tính là sự cạnh tranh gắt gao. Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin rất lớn, nhưng cũng rất nhiều trường đại học đang đào tạo ngành này. Dù vậy, bà cho rằng mỗi trường đều có “tệp” thí sinh riêng, nên nếu đảm bảo các điều kiện chất lượng, tận dụng được thế mạnh vốn có, các trường làm tốt vẫn có thể tìm được chỗ đứng, bất kể “đá chéo sân” hay không.
“Chúng tôi tự tin mở những ngành mà mọi người vẫn nghĩ vốn là thế mạnh của khối trường công nghệ, kỹ thuật”, bà Hiền khẳng định.
Tương tự, ông Triệu cho biết những ngành công nghệ, kỹ thuật mà trường Kinh tế quốc dân sắp mở cũng có sự khác biệt vì định hướng ứng dụng, tập trung vào lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh. Đề án mở ngành của trường sẽ được hoàn thiện và nghiệm thu để báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước ngày 13/4.
TS Lê Đông Phương cho rằng còn quá sớm để bàn về chất lượng đào tạo các ngành không phải thế mạnh tại các trường kinh tế. Lý do là ít nhất 4 năm nữa mới có lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, sau đó cũng cần thêm 3-5 năm để thị trường lao động, nhà tuyển dụng đánh giá thực tế.
Ông Phương khuyên học sinh nên cân nhắc kỹ khi chọn ngành học. Theo ông, những ngành học mới mở tại trường Ngoại thương hay Kinh tế quốc dân có lẽ sẽ phù hợp với những học sinh muốn tìm môi trường giao thoa giữa công nghệ và kinh tế. Còn những em định hướng phát triển sâu về công nghệ, kỹ thuật vẫn nên cân nhắc chọn các trường có lịch sử đào tạo lâu đời về lĩnh vực này.
Tính đến cuối năm 2022, gần 150 cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ, trong tổng số 232 trường.
Luật Giáo dục đại học quy định các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh, mở ngành, miễn là đáp ứng quy định của Bộ. Chẳng hạn, để mở một ngành ở bậc cử nhân, trường phải có ít nhất một tiến sĩ là giảng viên cơ hữu, chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm quản lý hoặc giảng dạy đại học từ ba năm trở lên, chủ trì xây dựng chương trình; có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu là tiến sĩ tham gia giảng dạy, cùng một số điều kiện về khác.
Thanh Hằng – Dương Tâm