Sóc TrăngTrường Tiểu học Long Phú C là điểm trường đầu tiên có nhà vệ sinh không phát thải, vận hành bằng năng lượng sạch từ pin mặt trời.
Theo đó, hệ thống nhà vệ sinh tại điểm trường này có thể biến nước thải thành nước an toàn, không chứa vi khuẩn để tái sử dụng cho mục đích xả nhà vệ sinh, góp phần giải quyết các vấn đề do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.
Hoạt động cải thiện hệ thống nhà vệ sinh tại trường học là một trong nhiều hoạt động thuộc khuôn khổ “Innovation for Children” – dự án hợp tác giữa Masterise Group và UNICEF nhằm cải thiện môi trường sống và nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu.
Sóc Trăng là địa phương được lựa chọn để thí điểm đầu tiên, sau khi UNICEF phối hợp cùng Trung tâm Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để thực hiện đánh giá nhu cầu và khảo sát trên các trường học và cộng đồng tại đây.
Mục tiêu chính của hoạt động này là cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường, đồng thời nâng cấp và áp dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, cho bảy trường học và mở rộng mạng lưới cho hai trạm cấp nước cấp xã hoặc liên xã.
Anh Thơ, một học sinh tại Trường Tiểu học Long Phú C, cho biết trước đây nhà vệ sinh của trường rất tối. Em muốn nhà vệ sinh có đèn, có nhiều nước hơn, có khu nữ riêng và nam riêng; hay khu vực rửa tay cần có xà bông… “Khi được sử dụng nhà vệ sinh mới, chúng em rất vui vì khu vực này trở nên sạch sẽ và an toàn”, nữ học sinh nói.
Thực tế, tại Sóc Trăng, hơn 40% trường học không có nước sạch và cơ sở vật chất hợp vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của học sinh.
“Đồng hành cùng Masterise Group, chúng tôi cam kết trang bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết, tạo cơ hội và chuẩn bị cho các em đối mặt với những khó khăn phía trước để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu tại cộng đồng của các em”, bà Rana Flower, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam chia sẻ thêm.
Song song với việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực nước sạch, dự án cũng tập trung thúc đẩy công nghệ và sáng tạo trong giáo dục. Theo khảo sát của UNICEF, 70% học sinh ở Sóc Trăng có ít hơn hai quyển sách để đọc tại nhà. Để giải quyết vấn đề này, dự án giới thiệu Thư viện số toàn cầu, giúp các em tiếp cận nguồn tài liệu học tập chất lượng cao, miễn phí và không chỉ bằng tiếng Việt mà còn bằng tiếng Khmer và ngôn ngữ ký hiệu.
Theo đó, các học sinh tại Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật ở tỉnh Sóc Trăng cũng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này, giúp các em nâng cao khả năng đọc hiểu và thu hẹp khoảng cách về tài nguyên học liệu.
Khung chương trình giáo dục về ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu không chỉ đưa đến sự nâng cao về kiến thức của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mà còn đem đến nhiều lợi ích cho cả cộng đồng và trẻ em. Học sinh đã được trang bị và áp dụng kỹ năng xanh cùng với lối sống bền vững.
“Từ khi có dự án tại trường, em cùng các bạn đã được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, có năng lượng để học tập hơn, và có nhiều niềm vui””, Anh Thơ cho biết thêm.
UNICEF và Masterise Group cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về năng lượng xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh, để góp phần vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí carbon. Các đơn vị sẽ thành lập câu lạc bộ sáng tạo vì xã hội do trẻ em và thanh thiếu niên khởi xướng, nhằm phát triển kỹ năng lãnh đạo và sự linh hoạt phù hợp với thế kỷ 21 cho thế hệ trẻ.
“Innovation for Children” là một dự án thuộc chương trình vì cộng đồng phát triển bền vững “Build A Better Future” do Masterise Group triển khai tháng 4/2022. Trong giai đoạn một của dự án, các hoạt động hiện đang được thử nghiệm trong phạm vi tỉnh Sóc Trăng và đã đạt được những thành công nhất định, làm tiền đề cho những giai đoạn sau. Dự án đặt mục tiêu trao quyền cho 34.700 trẻ em và thanh thiếu niên trở thành nhân tố của sự thay đổi thông qua các sáng kiến hành động vì khí hậu; giúp 20.000 người dân và trẻ em tiếp cận với nguồn nước sạch, và 130.000 người được tiếp cận dịch vụ, thông tin về nước sạch và vệ sinh.
Thế Đan