Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ để trở thành nước đóng góp nhiều nghiên cứu nhất đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu vào năm 2022.
Thống kê mới dựa trên dữ liệu sơ bộ của Nature Index – bảng thống kê của tạp chí khoa học Nature nhằm theo dõi các nghiên cứu xuất bản trên 82 tạp chí thuộc nhiều mảng khác nhau của khoa học tự nhiên, gồm hóa học, khoa học môi trường và Trái Đất, khoa học sự sống và khoa học vật lý, SCMP hôm 23/5 đưa tin.
Dữ liệu bao gồm các tạp chí bình duyệt hàng đầu thế giới như Cell, Nature, Science và Proceedings of the National Academy of Science of the United States of America. Bộ dữ liệu hoàn chỉnh cho năm 2022 dự kiến công bố vào tháng sau.
Năm 2022, ngoài việc trở thành nước đóng góp nhiều nghiên cứu nhất đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu, Trung Quốc cũng lần đầu tiên chiếm vị trí dẫn đầu của Mỹ về đóng góp cho khoa học môi trường và Trái Đất, dù nước này vẫn xếp sau trong lĩnh vực khoa học sự sống.
Những đóng góp của Trung Quốc đã liên tục tăng kể từ khi bảng thống kê Nature Index được đưa ra vào năm 2014. Bảng thống kê tính đến tỷ lệ % tác giả từ một quốc gia trong mỗi nghiên cứu được xuất bản. Năm 2022, Trung Quốc có mức đóng góp gần 19.400, trong khi Mỹ có 17.610.
Giai đoạn 2018 – 2020, Trung Quốc đóng góp 27,2% số nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới – những nghiên cứu nằm trong top 1% về số lần trích dẫn – trong khi Mỹ chỉ chiếm 24,9%, theo báo cáo “Các chỉ số Khoa học và Công nghệ Nhật Bản”.
Tuy nhiên, Mỹ có mức đóng góp gần 790 trên hai tạp chí lớn là Nature và Science, cao hơn đáng kể so với con số 186 của Trung Quốc. Trung Quốc cũng xếp sau Mỹ về số lượng nghiên cứu có ít nhất một tác giả là người trong nước. Cụ thể, Trung Quốc có 23.500 nghiên cứu thuộc loại này, còn Mỹ có gần 25.200.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Trung Quốc là nước chi tiêu lớn thứ hai thế giới cho nghiên cứu khoa học, với số tiền dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vượt 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (426,6 tỷ USD) năm 2022.
Thu Thảo (Theo SCMP)