Ngày 7/12, Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Chính phủ Trung Quốc) công bố mở rộng kế hoạch “bảo vệ bầu trời xanh”, trong đó cấm xây dựng thêm các nhà máy thép mới để cắt giảm lượng khí thải carbon và cải thiện chất lượng không khí.
Trước đó, Trung Quốc đã mạnh tay cấm việc xây dựng các dự án sắt thép mới ở một số khu vực cụ thể trên toàn quốc. Các lệnh cấm nhằm giảm 10% nồng độ bụi mịn (PM2.5) ở các thành phố lớn vào năm 2025 so với mức của năm 2020. Theo Tân Hoa Xã, năm ngoái có hơn 25% thành phố ở Trung Quốc không đáp ứng tiêu chuẩn PM2.5 là 40 microgam/m3.
Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Trung Quốc, lượng khí thải từ ngành công nghiệp thép đã tăng lên trong những năm qua, chiếm 15 – 18% tổng lượng khí thải carbon của Trung Quốc vào năm 2020.
Theo kế hoạch hành động, đến năm 2025, hơn 80% công suất sản xuất thép của Trung Quốc sẽ “hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi lượng khí thải cực thấp”.
Tại Hà Bắc, tỉnh sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, số lượng các công ty sắt thép đã bị cắt giảm gần 70% nhằm đáp ứng các mục tiêu địa phương, theo Tân Hoa Xã. Điều này đã làm giảm đáng kể nồng độ PM2.5 từ 104 microgam/m3 năm 2013 xuống còn 38,9 năm nay.
Ngoài lệnh cấm xây dựng thêm nhà máy thép, kế hoạch cũng đề xuất một số biện pháp khác nhằm cải thiện chất lượng không khí, bao gồm loại bỏ dần các phương tiện sản xuất lỗi thời trong các ngành phát thải cao, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xanh.
Theo kế hoạch này, Trung Quốc đặt mục tiêu hạn chế các dự án tiêu thụ năng lượng và phát thải cao, đồng thời yêu cầu các dự án thay thế. Trong đó, các dự án mở rộng hoặc thay thế sẽ cần trải qua quá trình đánh giá môi trường và đánh giá bảo tồn năng lượng.
Các mục tiêu khác cho năm 2025 bao gồm giảm 10% lượng phát thải các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và oxit nitơ so với mức năm 2020.
Kế hoạch cũng đặt ra các chính sách cụ thể cho từng khu vực trọng điểm như các siêu đô thị phía bắc Bắc Kinh và Thiên Tân, cũng như các khu vực xung quanh tỉnh Hà Bắc, Thượng Hải và đồng bằng sông Dương Tử. Cả hai khu vực này sẽ phải cắt giảm mức tiêu thụ than lần lượt là 10 và 5%.
Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng mới và phạm vi phủ sóng của các trạm sạc điện nhanh sẽ phải đạt 80% ở các khu vực trọng điểm, trong khi năng lượng nhiên liệu phi hóa thạch sẽ phải chiếm 20% tổng lượng năng lượng tiêu thụ.
Kế hoạch cũng kêu gọi tăng cường sản xuất khí đốt tự nhiên để giảm nhu cầu sử dụng than sưởi ấm trong hộ gia đình.
Các biện pháp khác bao gồm tăng cường giám sát các ngành công nghiệp, tăng cường chính sách môi trường trong khi vẫn lưu ý đến các mục tiêu kinh tế, đồng thời cải thiện hợp tác quốc tế về các vấn đề như ô nhiễm khí quyển.
Hoài Phương (theo Tân Hoa Xã, SCMP)