Xác thuyền khâu thủ công khoảng 3.000 năm sắp được trục vớt ở ngoài khơi vịnh Zambratija, Croatia, để các nhà khoa học có thể nghiên cứu kỹ hơn.
Thuyền khâu tay cổ xưa nhất biển Địa Trung Hải tồn tại từ thế kỷ 12 đến thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên, được đặt tên là Zambratija, Ancient Origins hôm 16/6 đưa tin. Con thuyền dài khoảng 12 m, trong đó 7 m được bảo tồn rất tốt, bất chấp hàng nghìn năm đã trôi qua. Thuyền làm từ nhiều mảnh gỗ được khâu lại với nhau một cách tinh vi bằng những sợi mềm dẻo.
Kỹ thuật đóng thuyền này được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới trước khi các chốt kim loại ra đời. Kể cả sau khi chốt kim loại xuất hiện, người xưa vẫn tiếp tục dùng kỹ thuật khâu để chế tạo các thuyền nhỏ thêm một khoảng thời gian. Zambratija là ví dụ “hiếm hoi” về truyền thống đóng thuyền cổ xưa của Istria và Dalmatia, hai khu vực trên bờ biển Croatia, theo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS).
Thuyền Zambratija do một ngư dân phát hiện vào năm 2014. Từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu đã cân nhắc khả năng đưa con thuyền lên khỏi mặt nước. Cuối cùng, quyết định được đưa ra là một nhóm thợ lặn sẽ trục vớt các phần của con thuyền từ vịnh Zambratija vào ngày 2/7.
Sau khi trục vớt các mảnh vỡ, nhóm nhà khoa học từ Trung tâm Camille Jullian (CCJ) và Bảo tàng Khảo cổ Istria sẽ tái tạo con thuyền dưới dạng 3D. Tiếp theo, họ sẽ xác định loại sợi được sử dụng để khâu và nghiên cứu những kỹ thuật giúp tạo hình gỗ.
“Xử lý các di sản có tầm quan trọng như vậy là một công việc tinh tế. Do đó, mọi giai đoạn trong quá trình này đều đòi hỏi sự cẩn thận tối đa”, CNRS cho biết.
Sau khi các công đoạn kiểm tra hoàn tất, con thuyền đặc biệt sẽ trải qua quá trình khử muối ở Croatia. Tiếp theo, thuyền dự kiến được đưa đến Grenoble, Pháp, để xưởng Arc-Nucléart phục hồi. Các chuyên gia hy vọng, khi đã khôi phục hoàn toàn, Zambratija sẽ được trưng bày ở thành phố Pula, Istria, trong một bảo tàng dành riêng cho di sản hàng hải.
Thu Thảo (Theo Ancient Origins)