Thu nhập cao hơn nhờ trồng rau gia vị
Đang nhanh tay nhổ cần tây để chuẩn bị giao cho thương lái, bà Lê Thị Tấn ở thôn Lúa (xã Đoàn Thượng) cho biết gia đình bà có 3 sào chuyên trồng rau gia vị, chủ yếu là cần tây, tỏi tây. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên rau lên xanh tốt, năng suất đạt khoảng 1,3-1,5 tấn/sào mỗi loại. Giá bán mỗi cân tỏi tây khoảng 18.000 đồng, cần tây 7.000 đồng/kg, gia đình bà thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào tỏi tây, 5-6 triệu đồng/sào cần tây. “So với su lơ, su hào… thì trồng rau gia vị cho thu nhập cao hơn từ 3-6 triệu đồng/sào”, bà Tấn nói.
Gia đình chị Đoàn Thị Thúy ở cùng thôn với bà Tấn cũng trồng 3 sào cần tây, đến nay đã cơ bản thu hoạch xong. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào gia đình chị lãi 5 triệu trồng. “So với những cây khác, chi phí trồng cần tây thấp, chỉ từ 1-1,2 triệu đồng/sào. Việc chăm sóc cũng đơn giản nên người trồng không tốn nhiều thời gian, phù hợp với những gia đình ít lao động hoặc có diện tích rau màu lớn”, chị Thúy chia sẻ.
Ngoài tập trung vào vụ đông thì người dân còn chọn trồng vào vụ hè thu. Anh Hoàng Văn Thứ ở xã Toàn Thắng cho biết cần tây, tỏi tây ưa lạnh nên mùa đông sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Còn mùa hè, thời tiết nắng nóng, lại thường xuyên có mưa bão nên trồng vất vả, tốn công sức hơn. “Tôi phải làm mái vòm để che cho cây trồng. Vào mùa hè, cây sinh trưởng, phát triển chậm nên 4-5 tháng mới được thu hoạch và năng suất chỉ 7-8 tạ/sào nhưng bù lại giá bán cao hơn vụ đông, có thể 60.000-80.000 đồng/kg. Mỗi sào, gia đình tôi cũng lãi hơn chục triệu đồng”, anh Thứ nói.
Luân canh phù hợp các loại rau gia vị
Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác, song trồng rau gia vị ở Gia Lộc cũng gặp khó khăn, sâu bệnh xuất hiện ngày càng nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Ngô, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Toàn Thắng, mấy năm gần đây, diện tích rau gia vị tại địa phương tăng đáng kể, lên khoảng 10 ha, chủ yếu ở thôn Bái Hạ. Tuy nhiên, gần đây rau có hiện tượng nhiễm sâu bệnh nhiều nếu không chăm sóc tốt.
Chị Đặng Thị Quyên ở thôn Lúa (xã Đoàn Thượng) cho biết cần tây hay bị bệnh thối củ, rầy rệp, còn tỏi tây thì bị bệnh nhện đỏ. Nguyên nhân do người dân canh tác nhiều năm, trong đất vẫn còn mầm mống của sâu bệnh.
“Có những vụ sâu bệnh nhiều quá nên công chăm sóc phải bỏ ra nhiều hơn. Kinh nghiệm của tôi hiện nay là cần luân canh thường xuyên, mỗi vụ trồng một loại rau khác nhau bởi mỗi cây rau có một loại sâu bệnh khác nhau. Làm như vậy để mầm mống sâu bệnh không còn”, chị Quyên nói.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, toàn huyện có khoảng 30 ha rau gia vị gồm cần tây, tỏi tây, ớt, rau mùi… được người dân các xã Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Phạm Trấn… trồng nhiều vụ khác nhau.
Tuy diện tích này không lớn, song so với những loại cây trồng khác, rau gia vị mang lại nguồn thu nhập cao hơn. Để phát triển, mở rộng diện tích rau gia vị, nông dân cần tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, bố trí mùa vụ hợp lý, tránh cung vượt cầu. Đồng thời chú trọng các biện pháp chăm sóc để hạn chế sâu bệnh.