Trong thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã phải cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, kết nối hệ thống di tích lịch sử; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quá trình sắp xếp bảo đảm các quy định của Trung ương, bám sát nguyên tắc và tiêu chuẩn theo quy định mới để thành lập các xã, phường sau sắp xếp tạo liên kết giữa các đơn vị hành chính không ngắt quãng, liên thông giữa các đơn vị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khi xây dựng đề án, phương án sắp xếp, lựa chọn trụ sở của 1 đơn vị hành chính trung tâm làm trụ sở của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Tên gọi bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, gắn với tên của đơn vị hành chính cấp huyện, giữ lại giá trị lịch sử, văn hóa để xác định và được đánh theo số thứ tự.
Trong đó, lưu ý vùng trung tâm phát triển, vùng lõi đô thị trở thành động lực xác định thành đơn vị hành chính thứ nhất theo tên gọi huyện, thị xã, thành phố (như phường Hải Dương 1, phường Hải Dương 2, xã Nam Sách 1, xã Nam Sách 2...).
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gắn với giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.
Nguồn: https://baohaiduong.vn/nguyen-tac-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-o-hai-duong-408795.html
Bình luận (0)