Năm 1996, Beck Weathers bị bão tuyết quật ngã tại Everest và bị đồng đội bỏ lại giữa đường, họ thậm chí đã gọi điện thông báo với vợ Weathers rằng anh đã qua đời.
Mùa xuân năm 1996, Weathers, nhà nghiên cứu bệnh học 50 tuổi đến từ Texas, Mỹ, tham gia một nhóm leo núi khát khao chinh phục Everest.
Weathers là người đam mê leo núi và từng chinh phục thành công nhiều ngọn núi hiểm trở. Tuy nhiên, với ông, Everest luôn là thách thức lớn nhất. Ông sẵn sàng dành toàn bộ năng lượng cho cuộc leo núi này. Sau cùng, Weathers không còn gì để mất. Cuộc hôn nhân của ông đã xấu đi vì ông dành nhiều thời gian cho những ngọn núi hơn là gia đình mình. Khi bắt đầu hành trình leo Everest vào 10/5/1996, Weathers không biết rằng vợ ông đã quyết định sẽ ly dị khi ông trở về.
Beck Weathers là một trong 8 khách hàng được 3 hướng dẫn viên thuộc công ty Adventure Consultants dẫn lên Everest. Dẫn đầu nhóm là vận động viên leo núi kỳ cựu Rob Hall, người New Zealand đã lên đỉnh Everest 5 lần.
Các nhà leo núi lên đường vào sáng sớm. Thời tiết tốt, tầm nhìn rõ ràng và cả đội rất lạc quan. Trời lạnh nhưng trong 12-14 tiếng đầu tiên, cuộc leo núi diễn ra khá dễ dàng. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, Weathers và các thành viên trong đoàn mới thấm thía ngọn núi có thể tàn bạo đến mức nào.
Không lâu trước khi đến Nepal để leo Everest, Weathers đã trải qua một cuộc phẫu thuật để chữa cận thị. Phẫu thuật cắt giác mạc xuyên tâm, tiền thân của phương pháp LASIK, giúp ông nhìn rõ hơn. Nhưng độ cao đã làm cong giác mạng đang phục hồi, khiến Weathers gần như bị mù khi bóng tối buông xuống.
Phát hiện ra vấn đề thị lực của Weathers, Hall không cho phép ông leo tiếp, yêu cầu ông ở lại điểm nghỉ chân trong khi những người khác tiếp tục hành trình. Họ sẽ đón ông trên đường trở về.
Weathers miễn cưỡng đồng ý. Khi đồng đội rời đi, ông vẫn ở nguyên vị trí. Vài nhóm khác đi ngang qua đề nghị cho ông một suất trong đoàn của họ, nhưng ông từ chối, đợi Hall như đã hứa.
Nhưng Hall không bao giờ trở lại.
Khi gần lên đến đỉnh, một thành viên trong đội không thể tiếp tục vì quá yếu. Không muốn bỏ rơi đồng đội, Hall chọn cách chờ đợi, nhưng cuối cùng, ông không chịu nổi cái lạnh và chết trên sườn núi. Đến nay, thi thể Hall vẫn đóng băng ở Everest. Ngoài ra, một hướng dẫn viên khác trong đội cũng thiệt mạng.
Gần 10 tiếng trôi qua trước khi Weathers nhận ra có điều gì đó không ổn, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đợi cho đến khi ai đó đi ngang qua.
Đến chiều tối, một người leo núi trở về nói với Weathers rằng Hall bị mắc kẹt. Dù biết rằng nên đi xuống cùng người này, ông vẫn quyết định nán lại đợi nhóm của mình.
Không lâu sau, Mike Groom, phó nhóm dưới quyền Hall, cùng đồng đội trở lại gặp Weathers. Groom từng chinh phục đỉnh Everest và am hiểu đường đi. Nhưng đêm đã buông xuống, cơ thể lại quá mệt mỏi, nhóm nhà leo núi quyết định dựng lều nghỉ ngơi và sẽ lên đường ngay khi trời sáng.
Song một cơn bão bắt đầu hình thành trên đỉnh núi, bao phủ toàn bộ khu vực trong tuyết và giảm tầm nhìn xuống gần như bằng 0 trước khi họ đến được khu cắm trại.
Weathers bị mất một chiếc găng tay và bắt đầu cảm nhận được tác động của độ cao cũng như nhiệt độ đóng băng. Ông dần trở nên không còn tỉnh táo, các đồng đội mô tả ông như “mất trí”. Khi cả nhóm túm tụm lại với nhau để giữ ấm, Weathers bỗng đứng bật dậy trong gió, giơ hai tay lên với bàn tay phải đã đóng băng. Ông bắt đầu la hét, nói rằng mình đã “tìm ra giải pháp”. Rồi đột nhiên, một cơn gió mạnh thổi ông ngã ngửa vào trong tuyết.
Trong đêm, một hướng dẫn viên người Nga của đội leo núi khác đã giải cứu những người còn lại trong đội của Weathers, nhưng họ cho rằng Weathers đã yếu đến mức không thể cứu được. Theo phong tục, những người chết trên đỉnh Everest sẽ bị bỏ lại ở nơi họ gục ngã và Weather là một trong số đó.
Sáng hôm sau, khi cơn bão đi qua, Stuart Hutchison, bác sĩ người Canada thuộc đội của Weathers, quay lại để tìm Weathers và một phụ nữ khác bị bỏ lại. Sau khi bóc lớp băng khỏi cơ thể cô, bác sĩ xác định không thể làm gì hơn.
Ông cũng đánh giá tương tự về Weathers. Khuôn mặt Weathers phủ đầy băng, áo khoác mở đến thắt lưng và chân tay cứng đờ. bác sĩ mô tả ông “vẫn còn hơi thở nhưng đã cận kề cái chết” và không thể sống được cho tới lúc xuống núi. Weathers bị bỏ lại lần thứ hai.
Nhưng Weathers vẫn sống, cơ thể ông vẫn đấu tranh với tử thần. Như thể có phép màu, Weathers tỉnh dậy sau cơn hôn mê hạ thân nhiệt.
“Lúc mới tỉnh dậy, tôi cứ như trong một giấc mơ, còn chưa nhận thức được rõ ràng mình đang ở đâu. Lúc đấy, tôi tự nhiên lại có cảm giác dễ chịu, ấm áp, thoải mái như đang nằm trên giường, thực sự không khó chịu”, ông nhớ lại.
Nhưng Weathers lập tức trở về thực tại khi kiểm tra chân tay mình. Cánh tay phải nghe như tiếng gỗ chạm vào nhau khi ông gõ nó xuống đất.
Dù sợ hãi, ông vẫn nỗ lực để đi xuống núi trên đôi chân “như sứ” và gần như không còn cảm giác. Khi Weathers đến được khu trại ở độ cao thấp hơn, những người ở đó đã vô cùng sửng sốt. Dù khuôn mặt đen thui vì bỏng lạnh và tay chân có thể sẽ không bao giờ trở lại như cũ, Weathers vẫn nói chuyện được.
Sau khi bác sĩ người Canada bỏ lại ông trên núi, vợ Weathers được thông báo rằng chồng bà đã chết trong chuyến đi. Nhưng ông đã trở về, đứng trước mặt họ, tàn tạ nhưng vẫn sống. Chỉ trong vòng vài tiếng, các kỹ thuật viên tại trung tâm điều phối Everest đã thông báo cho giới chức để đưa ông đến bệnh viện bằng trực thăng.
Weathers phải cắt bỏ cánh tay phải, ngón tay bên bàn tay trái và mũi. Các bác sĩ thẩm mỹ sau đó tái tạo lại mũi cho ông từ da cổ và sụn tai. Weathers hiện không còn tiếp tục leo núi. Vợ ông quyết định không ly hôn mà ở bên để chăm sóc chồng.
Cuối cùng, trải nghiệm cận kề cái chết đã cứu vãn cuộc hôn nhân của Weathers. Mặc dù cơ thể bị ảnh hưởng, Weathers khẳng định trong cuốn sách xuất bản năm 2015 rằng sau trải nghiệm suýt chết, tinh thần ông chưa bao giờ yên bình đến vậy.
Vũ Hoàng (Theo ATI)