Đồng nghiệp của tôi đang mang thai nên tính tình có phần thay đổi, hơi nóng nảy, nhất là những lúc học sinh không nghe lời. Có điều cô ấy là giáo viên nhiệt tình, hết lòng yêu thương học sinh, được nhiều đồng nghiệp và phụ huynh yêu quý.
Học trò giăng bẫy bắt lỗi giáo viên
Gần đây, trong một lần nổi nóng, học trò quay lại clip lén tố cáo, cô bị phụ huynh lên chửi bới thậm tệ. Trước bằng chứng phụ huynh đưa ra, nhà trường cũng không thể bảo vệ. Cô phải làm tường trình, tham gia nhiều cuộc họp kiểm điểm từ cấp tổ đến cấp trường, bị hạ bậc thi đua vì đã vi phạm đạo đức nhà giáo.
Câu chuyện cô lớn tiếng với học trò sau đó được một vài học sinh kể lại mới thấy thật xót xa và tàn nhẫn cho cái nghề luôn được mệnh danh là cao quý.
Hôm đó, vào giờ dạy môn Lịch sử, biết cô hay nổi nóng, lại không muốn bị kiểm tra bài như bao lần, một học sinh ngồi cuối dãy lớp có tiếng là học trò cá biệt bạn với cậu bạn bên cạnh “Mày canh để quay, tao chọc cho bà ấy tức chửi cho vui”.
Nói là làm, cậu học trò ngồi hỏi đổng lên “Ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương?”. Cả lớp quay lại, những tiếng cười rộ lên. Ai cũng biết cậu ấy vừa xem mấy clip nhảm nhí trên mạng rồi hỏi vấn đề không liên quan.
Cô giáo nghiêm sắc mặt mời em này lên bảng. Học trò không đứng lên, vênh váo khuôn mặt đầy thách thức: “Em không thuộc bài. Cô thích cho mấy điểm thì cứ cho đi!”.
Cô lớn tiếng nói cậu ta vô lễ, hỗn hào và đuổi ra khỏi lớp. Cậu trò càng nhơn nhơn, tỏ vẻ thách thức. Cô giáo tức giận quát lớn “nếu em không ra khỏi lớp hôm nay, tôi sẽ không dạy nữa. Có em trong lớp sẽ không có tôi”. Cô nói thế để gây sức ép cho học trò trước lớp, mong em sẽ vì thế mà ổn định nề nếp nhưng không ngờ đã trúng kế của cậu ta.
Clip đã được cắt hết phần cậu học trò nói lời hỗn hào, thách thức mà chỉ còn những lời nói quát lớn của cô giáo khiến dân mạng hiểu lầm.
Phụ huynh nổi trận lôi đình
Nếu như trước đây, đón con sau mỗi buổi học phụ huynh hay hỏi hôm nay con được mấy điểm thì bây giờ câu hỏi được nhiều cha mẹ dùng nhất là hôm nay thầy cô có đánh mắng con không?
Giáo viên nhắc nhở học trò bị quy kết là mắng chửi. Cô phạt nhẹ bằng cây thước centimet cũng bị gọi là đánh. Chỉ cần nghe con nói bị cô chửi, cô đánh, có những phụ huynh đã lên tận trường hành hung thầy cô bằng vũ lực, bằng những tờ đơn tố cáo hết cấp này đến cấp kia.
Đồng nghiệp khác của tôi cũng có một năm “lên bờ xuống ruộng” chỉ vì nhắc nhở lỗi làm bài sai của một học trò lớp 3 trước lớp. Mẹ em đã lên tận trường chỉ mặt chửi rủa, nói cô sao làm nhục con họ trước tập thể. Họ dùng những lời lẽ thóa mạ.
Phụ huynh chửi chán thì viết đơn gửi phòng GD&ĐT, gửi tỉnh. Cô liên tục phải làm đơn giải trình các cấp. Thường thì khi bị phụ huynh làm khó, ít có hiệu trưởng nào dám đứng ra bênh vực giáo viên dù trong thâm tâm biết cái sai ấy xuất phát từ sự vô lễ của học trò.
Nhiều hiệu trưởng lúc này muốn xoa dịu dư luận nên thường chèn ép giáo viên. Thế là giáo viên trở thành kẻ bị hại đáng thương “trên đe dưới búa”.
Đáng buồn hơn, khi giáo viên nào đó bị đơn kiện, bị tấn công bằng những ngôn từ đao to búa lớn từ phụ huynh, từ dư luận sẽ gần như bị cô lập trong nhà trường. Trong các cuộc họp hội đồng sư phạm, hội đồng thi đua cũng không có giáo viên nào dám đứng lên bảo vệ vì họ sợ làm mất lòng hiệu trưởng.
Hiệu trưởng vì sức ép của dư luận, của cấp trên cứ thẳng tay trừng trị giáo viên. Các thầy cô giáo này bỗng chốc đơn độc ngay trong chính ngôi trường của mình.
Vì sợ dư luận, nhiều thầy cô mang cảm giác đề phòng mỗi khi bước vào lớp. Có người chia sẻ, nếu lỡ hôm đó có nổi nóng với em nào đó, vì mất bình tỉnh mà phạt cho trò một roi. Thế là, cứ thấy bóng dáng phụ huynh xuất hiện ngoài cửa lớp hoặc có cuộc điện thoại là người lại run bắn lên.
Thế là không ít cảnh đến giờ thầy cô vào lớp, hết giờ thầy cô bước ra. Vì thế, có những chuyện xảy ra trong nội bộ học sinh mà nhiều thầy cô giáo chủ nhiệm vẫn không hề hay biết.
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Cát Tường(Giáo viên)