Đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên mầm non trưng bày tại Ngày hội giáo dục STEAM (do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Phú Nhuận, TP.HCM tổ chức) khiến nhiều người bất ngờ.
Cô Đào Thị Trúc Linh (bìa phải), giáo viên Trường mầm non Sơn Ca 10, quận Phú Nhuận, hướng dẫn học sinh chơi tàu điện chạy bằng năng lượng mặt trời tại Ngày hội giáo dục STEAM - Ảnh: H.H
Ngày 15-2, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Phú Nhuận, TP.HCM đã tổ chức Ngày hội giáo dục STEAM - Khơi nguồn sáng tạo với sự tham gia của gần 1.000 học sinh, giáo viên, phụ huynh từ mầm non đến THCS trên địa bàn.
Tại ngày hội, khu vực trưng bày và giới thiệu đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên mầm non các trường trên địa bàn quận Phú Nhuận đã gây ấn tượng mạnh mẽ.
Chỉ từ một tấm bìa các tông to bản, cộng với các lõi cuộn giấy vệ sinh, các cô giáo Trường mầm non Sơn Ca 14 đã tạo nên đồ dùng để học sinh chơi trò "nhanh tay lẹ mắt".
"Học sinh lứa tuổi nhà trẻ hay mẫu giáo đều có thể chơi trò này và chơi nhiều lần với nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ với học sinh nhà trẻ, chúng tôi yêu cầu các con chọn những quả bóng có màu sắc cụ thể để thả xuống các lõi giấy sao cho lọt. Trò này nhằm giáo dục học sinh phân biệt màu sắc.
Với học sinh lớp lá, giáo viên làm những quả bóng có viết hình các chữ cái rồi yêu cầu học sinh chọn một chữ cái nhất định để bỏ vào các lõi giấy" - cô Nguyễn Hà Kim Khánh, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca 14, cho biết.
Cô Nguyễn Hà Kim Khánh, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca 14 (bên phải) và cô Nguyễn Thị Hoàng Trang, phó hiệu trưởng nhà trường (bên trái) giới thiệu đồ dùng dạy học tự làm từ vật liệu tái chế - Ảnh: H.H
Gian của Trường mầm non Sơn Ca 14 trưng bày rất nhiều loại đồ dùng dạy học sử dụng nguyên liệu tái chế, đơn giản, dễ làm, có thể cho học sinh chơi được nhiều lần nhằm giúp học sinh phát triển về ngôn ngữ, toán học, sự khéo léo…
Trong khi đó, nhóm giáo viên Trường mầm non Sơn Ca 3 đã làm nguyên một mô hình công trường xây dựng bằng bìa giấy, ống hút, ống nhựa…
Cô Nguyễn Hoàng Kim Ngân, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca 3, giới thiệu: "Đồ dùng dạy học này sẽ giúp trẻ nhận biết một số loại máy móc và cách hoạt động của động cơ thủy lực. Trẻ sẽ học về số lượng tầng của các tòa nhà, học định hướng về các chiều, vị trí đặt đồ vật trong không gian...".
Cô Nguyễn Hoàng Kim Ngân, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca 3, hướng dẫn học sinh chơi mô hình xây dựng - Ảnh: H.H.
Đặc biệt hơn, nhóm giáo viên Trường mầm non Sơn Ca 10 đã khiến nhiều người trầm trồ khi làm mô hình tàu điện chạy trên cao, phía dưới là mô hình giao thông đường bộ: "Chúng tôi hoàn thành được mô hình tàu cao tốc chạy bằng năng lượng mặt trời này là có nhờ sự giúp sức của phụ huynh.
Từ ý tưởng ban đầu của giáo viên, một số phụ huynh trong trường đã giúp chúng tôi làm những tấm pin hấp thụ ánh sáng mặt trời gắn lên con tàu mini này để nó có thể chạy được trên mô hình.
Giáo viên cho trẻ quan sát tàu chạy khi đặt dưới ánh sáng và tàu sẽ dừng khi tấm pin bị che lại, sẽ giúp trẻ hiểu về năng lượng mặt trời và ứng dụng của nó... Phần mô hình đường bộ phía dưới giáo viên cũng có thể tận dụng để dạy trẻ về luật giao thông" - cô Đào Thị Trúc Linh, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca 10, chia sẻ.
Nhận định về các đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên mầm non trên địa bàn quận Phú Nhuận, nhiều người dự khán đã thốt lên "sáng tạo đến không ngờ".
Nhiều hoạt động cho học sinh trải nghiệm theo hướng giáo dục STEAM
Hai học sinh Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch, quận Phú Nhuận vui sướng khi làm đồ chơi slime thành công tại Ngày hội giáo dục STEAM do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Phú Nhuận tổ chức - Ảnh: H.H
Ngày hội giáo dục STEAM ở quận Phú Nhuận còn mang đến các sân chơi sôi nổi cho học sinh tiểu học và THCS thông qua các hoạt động như: trải nghiệm các trò chơi được thiết kế theo hoạt động giáo dục STEAM; thiết kế, chế tạo, lập trình một robot tự động để thu thập các khối năng lượng có tính năng và màu sắc khác nhau…
Theo bà Lê Thị Bình, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Phú Nhuận, TP.HCM, Ngày hội giáo dục STEAM - Khơi nguồn sáng tạo năm nay phòng đã chọn chủ đề "Năng lượng tái tạo".
Ngày hội nhằm khai thác và vận dụng hiệu quả mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học với kiến thức khoa học xã hội để giải quyết vấn đề thực tiễn, nhất là trong việc sử dụng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-ngo-voi-do-dung-day-hoc-tu-lam-cua-giao-vien-mam-non-2025021517301398.htm
Bình luận (0)