Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Dù còn nhiều băn khoăn đối với quy định siết dạy thêm, học thêm nhưng mục tiêu cuối cùng đó là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy học trong nhà trường, giúp hình thành khả năng tự học, xây dựng xã hội học tập suốt đời.
Đồng loạt dừng dạy thêm, học thêm trong nhà trường
Từ ngày 14/2, tất cả các trường trên cả nước đều dừng hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Thậm chí, có những trường ngay khi kết thúc học kỳ I đã có thông báo tới phụ huynh về việc ngừng tổ chức các lớp học thêm buổi chiều. Tại Trường THCS Ninh Phong (TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), thời điểm trước Tết Nguyên đán 2025, học sinh vẫn đăng ký học thêm buổi chiều tại trường một tuần 2 buổi các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh do nhà trường tổ chức, giáo viên đồng thời là giáo viên dạy các môn này trên lớp chính khóa của các em. Tuy nhiên, trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I, nhà trường đã quán triệt thông tin cụ thể tới học sinh về việc từ sau Tết sẽ ngừng các lớp học thêm này.
Dẫu vậy, với học sinh ở nhiều nơi khác, việc dừng học thêm kéo theo hệ lụy khác như dừng ăn bán trú, không có người đưa đón học sinh về buổi trưa… Ghi nhận tại nhiều trường trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) như Trường THCS Tứ Hiệp, THCS Văn Điển, THCS Vĩnh Quỳnh… đều chính thức nghỉ dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ ngày 14/2.
Trường THCS Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa gửi tới các phụ huynh thông báo về việc điều chỉnh các hoạt động trong nhà trường từ ngày 14/2. Theo đó, học sinh toàn trường nghỉ học ôn tập, bổ sung kiến thức các môn văn hóa ngoài giờ chính khóa. Riêng đối với học sinh lớp 9 cuối cấp ôn thi vào lớp 10 THPT, nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập không thu tiền đối với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh thời lượng 2 tiết/môn/tuần. Thời khóa biểu sẽ được thông báo sau khi nhà trường tiếp nhận đơn đăng ký của học sinh.
Trong khi đó, tại Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), học sinh các khối lớp nhận được thông báo về việc dừng học thêm đối với các lớp do thầy cô bộ môn giảng dạy. Những học sinh có nguyện vọng đăng ký học thêm chương trình Tiếng Anh liên kết với Trung tâm Language Link sẽ vẫn tiếp tục đăng ký học với thời lượng 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là sẽ lỡ dở việc đưa đón con đến trường học buổi này do việc học sẽ được sắp xếp trong giờ hành chính, không phải phụ huynh nào cũng đưa đón con đi đi về về như vậy được. Đây cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh dù muốn tiếp tục đăng ký học cho con nhưng nếu trường không tổ chức ăn bán trú, phải đưa đón con mấy lượt như vậy mỗi ngày thì khó thu xếp để thực hiện, sẽ phải xin nghỉ học thêm.
Dạy thêm ngoài nhà trường vẫn có biến tướng
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường đã quán triệt tới tất cả giáo viên trong trường 3 không: không tổ chức dạy thêm trong trường; không dạy thêm ngoài trường học sinh do mình giảng dạy; không tổ chức quản lí dạy thêm ngoài trường. Cùng với đó là 2 có: bồi dưỡng học sinh giỏi tham gia đội tuyển của trường; tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho học sinh năm nay thi tốt nghiệp để đạt kết quả tốt. Hai nội dung này, nhà trường sẽ chi trả kinh phí theo quy chế chi tiêu nội bộ. Theo bà Yến, dù mức chi trả không cao, nhưng giáo viên ủng hộ và nhiệt tình tham gia.
Trước đó, có nhiều giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định. Như báo cáo của UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội), từ sau khai giảng năm học mới đến trước ngày 4/10/2024, có một số giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) đã thuê địa điểm tại Nhà sinh hoạt cộng đồng số 7 để mở lớp bồi dưỡng cho học sinh theo nguyện vọng của cha mẹ học sinh trên địa bàn dân cư số 7 phường Ngọc Khánh (đa số học sinh đều là con em trong làng Ngọc Khánh). Hiện tại các lớp đều không còn hoạt động. Ngay sau đó, nhà trường, địa phương đã vào cuộc, quán triệt 100% đội ngũ giáo viên tuyệt đối không dạy thêm dưới mọi hình thức. Nếu vi phạm sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước các cấp lãnh đạo và nhận hình thức kỷ luật theo quy định.
Theo quy định tại Thông tư 29, việc giám sát dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành. Trong đó, vai trò của hiệu trưởng trong việc quản lí giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Dẫu vậy, thực tế vẫn có những giáo viên “lách luật” khi hướng dẫn học sinh mình đang dạy chính khóa tới học thêm tại trung tâm văn hóa và giáo viên đứng lớp vẫn là chính mình! Chị Phan Minh Hải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước Tết 2025, con chị vẫn đang học thêm môn Ngữ văn với chính cô giáo dạy môn này của các con trên lớp, địa điểm là tại một nhà dân thuê. Từ sau Tết, lớp học nghỉ nhưng nhiều phụ huynh đề nghị cô dạy lại vì học sinh đang ôn thi lớp 9, nếu nghỉ ngang thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Hiện địa điểm lớp học đã chuyển về trung tâm gia sư ngay gần trường, lớp tách thành 2 trình độ và có thêm một số học sinh ở lớp khác, trường khác tham gia, số lượng là gần 30 học sinh/lớp.
Trong khi đó, cô H.N.B., một giáo viên tại huyện Duy Tiên, Hà Nam đã chuyển một số lớp học thêm sang hình thức trực tuyến do ở đây là vùng quê, khó liên kết với trung tâm nào gần đó để dạy học dù học sinh có nguyện vọng. “Tôi đang tìm hiểu để làm thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Tôi cũng đã đăng ký với hiệu trưởng để nhà trường quản lý dạy thêm, học thêm, xin dạy thêm tại trường miễn phí đối với 2 lớp 9 tôi đang dạy nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Trước mắt, một số học sinh có nguyện vọng ôn tập cho kỳ thi vào lớp 10, tôi hướng dẫn các em qua hình thức trực tuyến. Hiệu quả không thể bằng dạy học trực tiếp nhưng thời gian không còn nhiều, tôi sẽ cố gắng để dạy các em được nhiều nhất” - cô B. chia sẻ.
Cần thay đổi nhận thức từ nhiều phía
Theo thầy Đỗ Thành Thiện, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), ở những địa phương vùng nông thôn việc học thêm không phải là vấn đề quá lớn. Nhà trường không tổ chức các lớp học thêm ngoài giờ chính khóa và học sinh hầu như không chịu áp lực từ việc phải tham gia quá nhiều hoạt động học tập. Những quy định mới này không gây ra quá nhiều xáo trộn trong hoạt động của nhà trường.
Tương tự với học sinh vùng sâu, vùng xa, để các em đến lớp đầy đủ đã là một nỗ lực lớn của nhà trường, giáo viên. Hầu như không có chuyện ép đi học thêm, thậm chí học miễn phí, củng cố kiến thức cho học sinh không thu tiền cũng cần thầy cô vận động, tuyên truyền kỹ càng từ phụ huynh tới học sinh. Nhiều giáo viên chia sẻ phải bỏ tiền túi để mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh nên việc dạy thêm, học thêm thu phí hầu như không xảy ra.
Trở lại với các địa phương nơi áp lực học tập đè nặng lên vai không chỉ học sinh mà chính nhà trường, giáo viên, phụ huynh cũng đang ở trong vòng xoáy đó, thầy Phan Như Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) nhìn nhận để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả, cần có các chính sách hỗ trợ giáo viên tốt hơn như tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao thu nhập cho giáo viên và tổ chức các chương trình bồi dưỡng chuyên môn. Đồng thời cần có cơ chế linh hoạt để phù hợp với từng địa phương, đặc biệt là ở những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định, sau 12 năm kể từ khi Thông tư số 17/2012/TT-BGDDT (ngày 16/5/2012) của Bộ GDĐT ra đời quản lý về dạy thêm, học thêm, nay hoạt động này mới được điều chỉnh bởi một Thông tư mới. Điều này cho thấy cơ quan soạn thảo đã trăn trở, tính toán song với một vấn đề liên quan trực tiếp đến các thày cô, các vị phụ huynh cùng hàng triệu học sinh, làm sao để hài hòa tất cả là điều không dễ.
“Tôi ủng hộ quan điểm xuyên suốt của Thông tư 29 là thay đổi tư duy từ “không quản được thì cấm” sang “quản lý để đảm bảo chất lượng”. Điều này sẽ buộc giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức ngay trong giờ học chính khóa, thay vì phải tham gia thêm các lớp học bên ngoài. Đồng thời, nhà trường cần tạo điều kiện cho học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thể thao, nghệ thuật để đảm bảo sự phát triển toàn diện” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng:
Hướng tới một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp
Những gì Thông tư quy định dạy thêm, học thêm đang hướng tới là vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp. Do vậy, dù bước đầu khó khăn song tôi mong rằng sẽ có sự đồng lòng, quyết tâm trong triển khai Thông tư này. Bộ GDĐT sẽ sát sao cùng địa phương, nhà trường, thầy cô trong quá trình thực hiện.
Quan điểm của Bộ GDĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… Để thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Các thầy cô, các nhà làm giáo dục và toàn xã hội đều thống nhất điều này; học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GDĐT):
Liêm chính trong giáo dục
Việc cấm dạy thêm trong trường sẽ thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ học sinh ngay tại lớp học, tăng hiệu quả các tiết học trong trường. Nhà trường phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Học sinh đến trường phải được học chuẩn kiến thức và đáp ứng những yêu cầu cần đạt. Trong trường hợp giáo viên có nhu cầu dạy thêm thì sẽ thực hiện như một hoạt động cung cấp dịch vụ bên ngoài. Nếu làm được như vậy sẽ giữ được sự liêm chính của hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Nguồn: https://daidoanket.vn/minh-bach-hoat-dong-day-them-hoc-them-cong-bang-cho-ca-giao-vien-va-hoc-sinh-10299877.html
Bình luận (0)