Một trong những du khách Nga đầu tiên đến Triều Tiên sau dịch nói chuyến đi giống như “dịch chuyển về quá khứ”.
Lena Bychcova vô cùng bất ngờ khi biết đơn xin thị thực du lịch Triều Tiên của cô được thông qua. Khách du lịch Nga bị từ chối visa ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng Triều Tiên – quốc gia ngày càng có mối quan hệ chặt chẽ với Nga – đã mang lại cơ hội cho họ.
Bychcova là một trong 97 khách Nga và cũng là khách quốc tế đầu tiên được phép đến Triều Tiên du lịch sau đại dịch. Họ đến Bình Nhưỡng vào 9/2 bằng máy bay của hãng Air Koryo từ thành phố Vladivostok. Du lịch ở Triều Tiên được kiểm soát chặt chẽ, du khách không được phép đi tự túc mà phải theo tour, có người giám sát đi cùng.
Bychcova nói “lo lắng về chuyến đi” nhưng sự tò mò đã chiến thắng. Cô không muốn bỏ qua cơ hội được đến thăm đất nước mà rất ít du khách quốc tế có cơ hội khám phá.
Blogger du lịch Ilya Voskresensky, đi cùng tour với Bychcova, cũng cảm thấy căng thẳng. Trong đơn xin visa, anh khai phần nghề nghiệp là “bán đồ ăn” và “làm thời vụ” thay vì thừa nhận là “người sáng tạo nội dung”. Anh muốn đến Triều Tiên hiện nay để xem nơi này có giống với nước Nga – Xô Viết trước đây mà ông bà, bố mẹ anh từng kể hay không.
“Bạn sẽ nhận ra ông bà bạn từng sống thế nào thì Triều Tiên hiện nay y vậy”, Voskresensky nói. Nam du khách nhận xét chuyến đi lần này giống như “dịch chuyển về quá khứ”. Trong thành phố không có các tấm biển quảng cáo. Thứ duy nhất được trưng bày là các khẩu hiệu của nhà nước, quốc kỳ.
Chuyến đi 4 ngày tiêu tốn của mỗi du khách gần 750 USD. Nhóm luôn có hướng dẫn viên và phiên dịch đi cùng. Họ ghé thăm các bức tượng đồng của cố lãnh đạo Kim Il Sung và Kim Jong Il trên đồi Mansu, cung thiếu nhi Mangyongdae, nơi trẻ em biểu diễn văn nghệ và dành 3 ngày tại khu trượt tuyết Masikryong.
Du khách phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt, đặc biệt khi định chụp ảnh hay quay video. Khách được yêu cầu không chụp ảnh quân đội, người dân mặc đồng phục, công trường xây dựng hoặc bất kỳ tòa nhà nào đang xây. “Nếu báo hay tạp chí có hình lãnh tụ Triều Tiên, du khách không được gấp tờ báo khiến bức ảnh bị nhăn”, một du khách Nga trong đoàn cho biết.
Những tờ báo này đã trở thành quà lưu niệm được yêu thích của Bychcova khi về Nga. Nữ du khách nói “không có nhiều thứ để mua” nhưng Triều Tiên có hai cửa hàng, một ở sân bay và một ở thủ đô, để du khách mua nam châm, búp bê, bộ Lego và những món quà nhỏ khác.
Trước dịch, thị trường khách quốc tế đến Triều Tiên lớn nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, sau dịch người Nga là nhóm khách đầu tiên được phép nhập cảnh, dấu hiệu cho thấy Nga ngày càng nổi tiếng ở Triều Tiên.
Voskresensky và Bychcova đều nói quyết định đi du lịch không vì mục đích chính trị. Họ đến Triều Tiên với mong muốn tìm hiểu người dân địa phương và thiết lập các mối quan hệ. “Khoảng 200 đứa trẻ đã chuẩn bị một buổi hòa nhạc đặc biệt kéo dài một tiếng để chào đón đoàn khách 97 người chúng tôi. Sân khấu nhiều người hơn khán giả”, Bychcova nói.
Sau tour đầu tiên này, Triều Tiên dự kiến đón đoàn khách Nga tiếp theo vào tháng 3.
Các du khách Nga cho biết sẽ “cân nhắc việc đến Triều Tiên một lần nữa” nhưng “chỉ khi tình hình chính trị thay đổi”. Voskresensky nói sau chuyến đi thông điệp chính anh muốn truyền tải là dù ở bất kỳ quốc gia nào thì người dân sống tại đó đều là những người bình thường.
“Bạn nên đối xử với họ bằng tình yêu thương. Tôi hy vọng du lịch sẽ hàn gắn thế giới”, nam du khách nói.
Anh Minh (Theo CNN)