Lác, giảm thị lực, ảnh chụp mắt dưới đèn flash hiển thị màu trắng thay vì mắt đỏ thông thường… cảnh báo u nguyên bào võng mạc.
Ung thư nguyên bào võng mạc là một loại khối u ác tính nội nhãn hay gặp nhất ở trẻ em. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, các triệu chứng của ung thư nguyên bào võng mạc có thể gồm lác mắt, một mắt có màu khác mắt còn lại, giảm thị lực, đau mắt, một số trường hợp đồng tử không chuyển động, chảy máu hoặc phồng lên.
Trong nhiều trường hợp, ban đầu bệnh ảnh hưởng một mắt, theo thời gian, mắt còn lại cũng bị ảnh hưởng. Hiếm hoi, khối u nguyên bào võng mạc phát triển ở cả hai mắt cùng một lúc. U nguyên bào võng mạc gần như không xảy ra ở người lớn.
Triệu chứng thường gặp
Phản xạ mắt mèo (leukocoria): Thay vì phản xạ đỏ bình thường trong điều kiện đèn flash, khi nhìn vào các mạch máu đỏ của mắt, sẽ nhận thấy phản xạ đồng tử màu trắng. Điều này xảy ra ở khoảng 60% trường hợp u nguyên bào võng mạc. Cha mẹ có thể nhận thấy điều này qua ảnh chụp. Khi bật đèn flash chụp ảnh ban đêm, thông thường mắt trong ảnh sẽ xuất hiện màu đỏ nhưng nếu đồng tử ở một hoặc cả hai mắt của trẻ lại có màu trắng thì có thể trẻ đã mắc u nguyên bào võng mạc.
Lác mắt (nhược thị): Tình trạng này có một hoặc hai mắt dường như đang nhìn về phía tai hoặc mũi. Nhưng đôi khi lác mắt do các nguyên nhân khác gây ra mà không phải ung thư nguyên bào võng mạc. Ví dụ, do mắt đỏ sưng (không đau), giảm thị lực, lồi mắt, rung giật nhãn cầu (chuyển động từ bên này sang bên kia của mắt), bẩm sinh lác mắt hoặc hai màu khác nhau, viêm màng bồ đào (viêm ở lớp giữa của mắt).
Triệu chứng hiếm gặp
Một số trẻ bị ung thư nguyên bào võng mạc có các dấu hiệu bất thường là xuất huyết thủy tinh thể. Tình trạng này là mắt có máu rỉ ra (ghèn mắt là chất lỏng màu đỏ) lấp đầy mắt. Bệnh có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và dẫn đến mất thị lực. Trong một số trường hợp, có hiện tượng máu tụ lại giữa mống mắt và giác mạc. Máu bao phủ một phần hoặc toàn bộ khu vực, gây đau đớn và cản trở tầm nhìn một phần hoặc toàn bộ.
Số ít trường hợp (dưới 5%), trẻ em phát triển u nguyên bào võng mạc ở cả mắt và não, được gọi là u nguyên bào võng mạc ba bên. Đối với bệnh này, khối u não liên quan đến tuyến tùng, tuyến nằm trong não giúp điều chỉnh chu kỳ ngủ và thức. U nguyên bào võng mạc thường chỉ giới hạn ở mắt, một số trường hợp hiếm gặp, nó có thể lan sang các khu vực khác, gồm phổi, khung xương, hệ bạch huyết và hệ thần kinh. Điều này có thể gây ra các triệu chứng: giảm cân không rõ nguyên nhân, buồn nôn và nôn, tổn thương hệ thần kinh, nhức đầu.
Ung thư nguyên bào võng mạc có thể gây ra các biến chứng như đục thủy tinh thể, tách võng mạc (võng mạc tách ra khỏi mặt sau của mắt), mất thị lực, chảy máu và nhiễm trùng. Mắc ung thư này, người bệnh cũng có thể bị buồn nôn, tiêu chảy, bầm tím, chảy máu, mệt mỏi hoặc phát sinh ung thư mới.
Nếu không được điều trị, u nguyên bào võng mạc tiếp tục phát triển, các khối u có thể hình thành ở các bộ phận khác của mắt ngoài võng mạc. Điều này có thể chặn các kênh thoát nước trong mắt, có khả năng gây tăng nhãn áp dẫn đến bệnh tăng nhãn áp. Trong đó áp lực làm tổn thương dây thần kinh thị giác, có thể gây đau và giảm thị lực.
Để bảo vệ thị lực và phòng ung thư nguyên bào võng mạc, cha mẹ cần lưu ý bất kỳ thay đổi nào ở mắt và đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt khi phát hiện bất thường. Đó là có vấn đề về tầm nhìn, khác thường ở cả bên trong và ngoài mắt, đồng tử di chuyển bất thường hoặc vấn đề về chuyển động mắt khác, mắt lồi, màu mắt và kích thước thay đổi. Khoảng 90% trẻ mắc khối u này có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Mai Cat (Theo Very Well Health)