Sự suy yếu của đầu tàu kinh tế cùng với việc lạm phát vẫn đứng ở mức cao và việc chưa có dấu hiệu nào cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm nới lỏng tiền tệ đang phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng euro (Eurozone).
Tòa nhà Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng Eurozone xuống còn 0,6% trong năm 2023, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, và 1,2% trong năm 2024, giảm 0,1 điểm.
Các đầu tàu kinh tế vẫn còn yếu
Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy trong quý 3/2023, Eurozone đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế âm 0,1%. Trước đó, nền kinh tế của khu vực tiền tệ chung gồm 20 quốc gia này chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 0,2% trong quý 2/2023. Điều này phản ánh những khó khăn mà Eurozone đang phải đối mặt, bao gồm khủng hoảng chi phí sinh hoạt và những lo ngại về nhu cầu yếu kém trong nền kinh tế toàn cầu.
Đáng chú ý, trong quý 3/2023, Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – tăng trưởng âm 0,1%, chủ yếu do tác động nặng nề của chi phí năng lượng tăng cao, sản xuất công nghiệp trì trệ và lãi suất cao. Trong khi đó, Pháp – cường quốc kinh tế lớn thứ hai khu vực – chỉ tăng trưởng 0,1%, Italy – nền kinh tế lớn thứ 3 trong Eurozone – vẫn hầu như đi ngang, còn Áo ghi nhận mức giảm 0,6%..
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực đối với Eurozone là lạm phát ở khu vực này đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo Eurostat, trong tháng 10/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở khu vực này đã giảm từ mức đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022 xuống còn 2,9%, thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Con số này đã giảm đáng kể so với mức 4,3% trong tháng 9/2023 và thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích, vốn kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức trên 3%.
Trên quy mô toàn Liên minh châu Âu (EU) (bao gồm cả các nước thành viên EU không sử dụng đồng euro), theo Eurostat, tình hình kinh tế của toàn bộ 27 quốc gia thuộc EU sáng sủa hơn khi tăng trưởng 0,1% trong quý 3/2023.
Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni nói: “Chúng ta đang sắp kết thúc một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế EU, với đà tăng trưởng thực tế thấp hơn so với dự kiến”. “GDP thực tế hầu như không tăng trưởng trong ba quý đầu năm nay và dự kiến chỉ sẽ “hồi phục nhẹ” trong các quý tới”.
Triển vọng u ám
Mặc dù Eurozone đang từng bước vượt qua những cú sốc từ dịch COVID-19 và xung đột quân sự Nga-Ukraine nhưng không ít người vẫn lo ngại về tác động kinh tế của cuộc chiến Hamas-Israel tới nền kinh tế khu vực này. Đáng chú ý, mặc dù đã giảm nhưng lạm phát ở Eurozone vẫn đứng ở mức cao. Điều này khiến cho ECB chưa thể mạnh tay cắt giảm lãi suất.
Một cửa hàng treo biển hạ giá ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh đó, vào giữa tháng 11, EC đã hạ dự báo tăng trưởng Eurozone năm 2023 xuống còn 0,6%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Đối với năm 2024, EC dự báo nền kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng ở mức 1,2%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Theo dự báo của EC, Đức – nền kinh tế lớn nhất Eurozone – sẽ tăng trưởng âm 0,3% trong năm nay trước khi chứng kiến “sự phục hồi vừa phải” và đạt tốc độ tăng trưởng dương 0,8% vào năm tới và 1,2% vào năm 2025. Pháp – nền kinh tế số hai của khu vực – sẽ đạt mức tăng trưởng 1,0% trong năm nay, 1,2% vào năm tới và 1,4% vào năm 2025.
Cả châu Âu và Hoa Kỳ đều đang vật lộn với tình trạng lạm phát cao dai dẳng. Tuy nhiên, trái ngược với sự u ám ở Eurozone, nền kinh tế Hoa Kỳ lại đang hồi phục rất mạnh mẽ, với mức tăng trưởng lên tới 4,9% trong quý 3/2023, chủ yếu do lạm phát ở Eurozone vẫn đứng ở mức cao do tác động của việc giá năng lượng đứng ở mức cao. Eurostat dự báo lạm phát ở Eurozone là 5,6% trong năm 2023 và 3,2% trong năm tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến động phức tạp và khó lường, các dự báo về lạm phát và tăng trưởng của Eurozone có thể sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực hơn. Ủy viên Kinh tế EU Gentiloni cảnh báo những diễn biến toàn cầu có khả năng làm rung chuyển thị trường năng lượng thế giới – đặc biệt là trường hợp xung đột Israel-Hamas có thể lan rộng ở khu vực Trung Đông – gây ra “rủi ro suy giảm”. Ông nói: “Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã làm tăng thêm sự bất trắc và có nguy cơ che mờ triển vọng (kinh tế)”./.
Mai Hương