Không bán tín chỉ carbon khi thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Sáng 4/9, tại tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra Hội nghị sơ kết mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp).
Tại đây, trong phần phát biểu của mình, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhiều lần nhấn mạnh, trong giai đoạn thí điểm hiện nay, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp không phải để bán tín chỉ carbon.
Theo ông Nam, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tập trung vào việc giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người dân “là thành công”, chứ “không phải bán tín chỉ carbon”.
Sở dĩ ông Nam nói nhiều về vấn đề trên là do thời gian qua, nhiều người hiểu sai và bàn luận, rồi “lái đề án qua mục tiêu khác”.
“Nhiệm vụ của đề án chủ yếu là xây dựng phương thức sản xuất, nông dân liên kết được với doanh nghiệp, có đầu vào và đầu ra, có cách làm để giảm chi phí tốt nhất, tăng lợi nhuận cao nhất, không phải bán tín chỉ carbon” – ông Nam nói thêm.
Cũng theo ông Nam, mặc dù không bán tín chỉ carbon nhưng ở giai đoạn thí điểm, sẽ thực hiện việc chi trả thí điểm tín chỉ carbon cho người dân trồng lúa. Theo kế hoạch, việc chi trả được triển khai vào giữa hoặc cuối năm 2025.
Ông Nam nói: “Chúng tôi đã bàn với tổ chức tài chính của Ngân hàng Thế giới (WorldBank) sẽ cố gắng chi trả thí điểm tín chỉ carbon vào vụ hè thu 2025 hoặc chậm hơn là vụ đông xuân 2025-2026 từ nguồn 20 triệu đô la, để có khoản tăng thêm cho nông dân tham gia đề án”.
Theo Cục Trồng trọt, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được triển khai thí điểm 7 mô hình ở vùng ĐBSCL. Trong vụ hè thu 2024, đề án triển khai 4 mô hình ở TP.Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với tổng diện tích 196 ha.
Qua tính toán cho thấy, tại TP.Cần Thơ, vụ hè thu 2024 cho kết quả giảm phát thải nhiều nhất (do thu gom ra khỏi đồng và áp dụng tưới ngập khô xen kẽ).
Cụ thể, giảm đến 12 tấn CO2e/ha so với nông dân ngoài mô hình để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng; giảm 5 tấn CO2e/ha so với nông dân ngoài mô hình có áp dụng AWD chung trong hợp tác xã nhưng vùi rơm trên đồng; giảm 2 tấn CO2e/ha so với nông dân ngoài mô hình để nước ngập liên tục nhưng có bán rơm (thu rơm ra khỏi đồng).
Tại Sóc Trăng, mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải có lượng khí phát thải 9.505 kg CO2e/ha/vụ, trong khi đó ngoài mô hình không áp dụng quy trình phát thải 13.501 kg CO2e/ha/vụ. Như vậy, chênh lệch phát thải trong và ngoài mô hình là 3.996 kg CO2e/ha/vụ.
Tại Trà Vinh, trung bình 2 mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải có lượng khí phát thải 7.610 kg CO2e/ha/vụ, trong khi đó ngoài mô hình không áp dụng quy trình phát thải 13.065 kg CO2e/ha/vụ. Như vậy, chênh lệch phát thải trong và ngoài mô hình là 5.454 kg CO2e/ha/vụ.
Trong đó, mô hình ở Hợp tác xã Phước Hảo bón phân đạm ít hơn, lượng giống gieo sạ ít hơn, phun thuộc ít hơn Hợp tác xã Phát Tài nên lượng phát thải CO2e là 5,36 CO2e/ha thấp hơn 4,5 CO2e/ha so với Hợp tác xã Phát Tài là 9,861 CO2e/ha.
Lợi nhuận mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp cao hơn ngoài mô hình từ 12-20%
Cục Trồng trọt cho hay, mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại TP.Cần Thơ đã thu hoạch xong, năng suất đạt 64 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình là 7 tạ/ha.
Ở tỉnh Trà Vinh thí điểm 2 mô hình. Mô hình thứ nhất ở Hợp tác xã Phát Tài đã thu hoạch, năng suất đạt 61 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình là 2 tạ/ha.
Đến hôm nay (4/9), mô hình thứ hai ở tỉnh Trà Vinh (hợp tác xã Phước Hảo) và mô hình ở tỉnh Sóc Trăng đang thu hoạch.
Ước kết quả 4 mô hình thí điểm trong vụ hè thu 2024 đạt 64,52 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình khoảng 4,63 tạ/ha, sản lượng lúa giảm phát thải là 1.262 tấn.
Đối với vụ thu đông 2024, đã có 3 mô hình (Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ) được gieo sạ với tổng diện tích 140 ha, ước năng suất trung bình đạt 63,34 tạ/ha và sản lượng đạt 157 tấn, dự kiến thu hoạch từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 năm 2024.
Trong vụ thu đông, tỉnh Trà Vinh tiếp tục xuống giống 2 mô hình sau khi thu hoạch xong vụ hè thu 2024 và Kiên Giang sẽ xuống giống 1 mô hình vụ mùa trên nền đất lúa tôm 10,79 ha (từ ngày 15-25/9/2024).
Về lợi nhuận, tại TP.Cần Thơ, tổng chi phí sản xuất lúa diện tích áp dụng trong mô hình cao hơn so với chi phí ngoài mô hình là 5% nhưng lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình 20%.
Tại các địa phương còn lại, tổng chi phí sản xuất lúa diện tích áp dụng trong mô hình thấp hơn so với chi phí ngoài mô hình từ 14%-20% nhưng lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 12-20%.
Nguồn: https://danviet.vn/thu-truong-bo-nnptnt-trien-khai-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-khong-phai-de-ban-tin-chi-carbon-20240904095109788.htm