Đối thoại 2+2 ngoại giao, quốc phòng Mỹ-Ấn diễn vào hôm nay, 10/11 được quan tâm bởi nó sẽ làm rõ chiều sâu của mối quan hệ được coi là “trên đối tác, dưới đồng minh”.
Đối thoại 2+2 ngoại giao, quốc phòng Mỹ-Ấn Độ được quan tâm bởi nó sẽ làm rõ chiều sâu của mối quan hệ được coi là ‘trên đối tác, dưới đồng minh’. (Nguồn: YouTube) |
Còn nhớ, tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Ấn hồi tháng 6/2023, để khẳng định quan hệ Mỹ-Ấn Độ là “một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay”, Washington và New Dehli đã ký hàng loạt thỏa thuận quan trọng.
Giờ đây, là cấp đánh giá cao nhất về nhiều vấn đề, từ quốc phòng, hạt nhân, không gian, an ninh mạng, thị thực đến y tế… cuộc đối thoại lần này giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin với những người đồng cấp của nước chủ nhà Subrahmanyam Jaishankar và Rajnath Singh sẽ phải cụ thể hóa những cam kết đó.
Trước hết là lĩnh vực công nghệ và quốc phòng, hai trụ cột chính giúp định hình quan hệ Mỹ – Ấn. Biên bản ghi nhớ giữa General Electric (GE) và Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) sản xuất 99 động cơ phản lực GE F414 ở Ấn Độ dù đã ký kết nhưng những chi tiết cụ thể như mức độ tham gia của phía Ấn Độ đối với việc phát triển nguyên mẫu và thử nghiệm động cơ thì vẫn cần làm rõ.
Kế hoạch lắp ráp 31 máy bay không người lái (UAV) MQ-9B hiện đại cùng việc xây dựng một cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu toàn cầu của General Atomics ở Ấn Độ cũng sẽ phải đẩy nhanh theo hướng thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác sản xuất chứ không dừng ở hoạt động kinh doanh, khẳng định cam kết của Mỹ sẽ loại bỏ các rào cản thương mại với Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ cao.
Kế hoạch đưa Ấn Độ thành giải pháp thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu cần có bước đi cụ thể. Ngoài ra, các mối quan ngại song phương, toàn cầu, những diễn biến trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng vai trò của Ấn Độ cũng sẽ được bàn thảo.
Chỉ khi đi vào các hợp tác cụ thể như vậy, quan hệ Mỹ – Ấn mới có thể coi là có bước chuyển về chất.