Sự trở lại của ông Donald Trump không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong chính trị Mỹ mà còn hứa hẹn gây ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ quốc tế, đặc biệt với khu vực Nam bán cầu.
Với tôn chỉ “Nước Mỹ trên hết”, nhiệm kỳ “Trump 2.0” có thể mang lại những tác động sâu sắc và toàn diện với khu vực Nam bán cầu. (Nguồn: South China Morning Post) |
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thu hút dư luận quốc tế đã ngã ngũ với màn “tái xuất” Nhà Trắng thành công của ông Donald Trump trước đối thủ Kamala Harris. Sự trở lại lịch sử này hứa hẹn có nhiều tác động đối với thế giới, đặc biệt là tình hình Ukraine, Dải Gaza hay khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đáng chú ý, trọng điểm bàn luận của giới học thuật gần đây là tác động của nhiệm kỳ Tổng thống đắc cử Trump với khu vực Nam bán cầu.
Các cường quốc mới nổi Nam bán cầu như Brazil, Mexico, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi, đóng vai trò ngày càng lớn trong nền chính trị thế giới. Các Hội nghị thượng đỉnh gần đây của BRICS (tại Kazan 2024) và G20 (tại New Delhi 2023) là minh chứng cụ thể cho sức ảnh hưởng của những “ngôi sao đang lên” tại Nam bán cầu trong tái cấu trúc hệ thống đa phương, khiến các siêu cường không còn là động lực duy nhất trong quan hệ quốc tế.
Trong nhiệm kỳ “Trump 1.0”, nhóm các nước Nam bán cầu chịu sức ép phải giữ khoảng cách trong quan hệ với Trung Quốc. Trong đó, New Delhi đã trở thành một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ thông qua cơ chế Bộ tứ (Quad). Trong lịch sử, New Delhi và Bắc Kinh tồn tại nhiều bất đồng khó giải quyết, căng thẳng biên giới giữa 2 nước cũng thường xuyên gây xáo trộn địa chính trị và an ninh khu vực Nam Á.
Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể dẫn tới căng thẳng ngoại giao, đặc biệt với Mexico, trong bối cảnh ông sẽ áp dụng cách tiếp cận đối đầu về vấn đề nhập cư. Nếu Mexico không gắn chặt lợi ích với Mỹ, nước này có thể đối mặt bất ổn địa chính trị nghiêm trọng. Nếu chính quyền mới của Washington giảm cam kết an ninh với Mexico, quốc gia Mỹ Latinh này sẽ cần tăng cường tự chủ quốc phòng.
Nhiệm kỳ “Trump 2.0” có thể khởi mào biến động kinh tế tại khu vực Nam bán cầu do lập trường theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống đắc cử Trump. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đề cập việc gia tăng áp đặt thuế quan với hàng nhập khẩu vào Mỹ, vốn có thể ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, đồng thời tiềm ẩn nhiều hậu quả với lực lượng lao động và gây ra bất ổn thị trường, đặc biệt tại khu vực châu Á và Mỹ Latinh. Bên cạnh đó, ông Trump cũng tuyên bố không ủng hộ xe điện (EV) và khẳng định sẽ hủy bỏ các quy định bắt buộc về EV ngay ngày đầu tiên nhậm chức.
Ông Trump hứa hẹn sẽ áp thuế khoảng 60% lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, loại bỏ quy chế tối huệ quốc (MFN) với Bắc Kinh và có thể tái khởi động thương chiến Mỹ-Trung. Nếu Bắc Kinh bị loại khỏi danh sách MFN, căng thẳng giữa hai cường quốc có thể khiến các doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia khác ở Nam bán cầu.
Nếu Tổng thống đắc cử Mỹ áp đặt lãi suất với hàng nhập khẩu quốc tế, hệ quả là nước này sẽ xảy ra lạm phát. Muốn đối phó vấn đề này, Washington sẽ cần điều chỉnh chính sách tài khóa để kéo lãi suất tăng. Điều này có thể gây xáo trộn dòng chảy thương mại toàn cầu, bởi đồng USD hiện được coi là thước đo tăng trưởng kinh tế thế giới.
Như câu nói: “Khi Mỹ hắt hơi, cả thế giới cảm lạnh” (“When US sneezes, the world catches the cold”), việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể khơi mào sóng ngầm biến động trong thị trường toàn cầu, khi Tổng thống đắc cử Mỹ được dự báo sẽ đảo ngược đường lối điều hành của người tiền nhiệm Joe Biden và tái áp dụng chính sách của nhiệm kỳ đầu tiên.
Phát huy khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và tôn chỉ “Nước Mỹ trên hết”, Washington có thể sẽ thu hẹp nguồn tài trợ cho các tổ chức quốc tế, cũng như khiến những đồng minh như Liên minh châu Âu đối diện thách thức kinh tế và chính trị.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ong-donald-trump-tai-xuat-cuc-dien-nam-ban-ca-u-co-da-o-chie-u-294681.html