Duy trì thực đơn cân đối 4 nhóm chất, đảm bảo đủ bữa và lượng thức ăn, ưu tiên thực phẩm hỗ trợ tăng trưởng là lưu ý cho trẻ vào dịp Tết.
Trẻ thường ăn uống mất cân đối vào dịp Tết, dẫn đến thừa chất này, thiếu chất kia. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết tốc độ tăng trưởng của trẻ có thể bị chững lại trong những ngày này.
Trẻ sụt cân hay tăng cân vào ngày Tết đều có thể bị suy dinh dưỡng. Ví dụ, trẻ ăn nhiều bánh chưng, giò thủ, kẹo mứt, uống nước ngọt sẽ dung nạp dư thừa chất đạm, chất béo, tinh bột, đường nhưng lại thiếu các loại vitamin, khoáng chất, dễ tăng cân. Tình trạng suy dinh dưỡng chuyển biến nặng hơn ở trẻ nhẹ cân, còi cọc ăn uống qua loa, bỏ bữa.
Trẻ em gặp vấn đề dinh dưỡng trong thời gian ngắn cũng ảnh hưởng, kìm hãm tốc độ tăng trưởng tối ưu. Bác sĩ Tùng đưa ra một số lưu ý dinh dưỡng cho bé để phụ huynh tham khảo.
Khẩu phần cân đối 4 nhóm chất: Bữa ăn Tết của trẻ vẫn cần cân đối 4 nhóm dưỡng chất bao gồm bột đường (cơm, cháo, các loại đậu, củ, hạt); đạm (thịt, cá, trứng, hải sản, đậu nành), chất béo (mỡ, dầu thực vật, bơ); vitamin, khoáng chất (rau xanh, trái cây).
Duy trì các bữa ăn chính, phụ: Trong dịp Tết, bố mẹ cần cố gắng duy trì các bữa ăn chính của con không thay đổi quá nhiều so với ngày thường. Mỗi ngày trẻ nên có tối thiểu một bữa cơm chính với đủ món mặn, canh, xào. Phụ huynh có thể thay đổi bữa ăn phụ cho trẻ bằng món mà con yêu thích nhưng đa dạng để cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu.
Duy trì lượng thức ăn, sữa: Phụ huynh nên cho trẻ dùng đủ lượng thức ăn tương tự ngày thường hoặc được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn. Trẻ tránh ăn nhiều, nên uống sữa đều đặn với lượng trung bình khoảng 4-5 đơn vị một ngày (một đơn vị sữa tương đương 100 ml sữa hoặc 100 ml sữa chua, 15 g phô mai).
Ưu tiên thực phẩm tốt: Thực phẩm được khuyến khích cho trẻ dùng trong dịp Tết gồm thịt heo, bò nạc, thịt gà, cá, hải sản tươi sạch để cung cấp chất đạm. Trái cây, sinh tố hoặc nước ép trái cây (ổi, cam, cà chua, lê, dưa hấu, táo) và các loại rau củ (cải bó xôi, bắp cải, cà rốt, súp lơ, cải xoong) cung cấp chất xơ, vitamin. Sữa và sữa chua giúp trẻ tiêu hóa tốt, làm giảm đầy hơi, tiêu chảy, táo bón.
Bác sĩ Tùng lưu ý trẻ có thể dùng cơm, cháo như ngày thường hoặc giảm và thay bằng một miếng nhỏ bánh chưng, bánh tét. Ăn bánh chưng, bánh tét cùng rau, không kèm những món giàu tinh bột khác. Nếu gia đình có du xuân nên tìm hiểu trước nguồn thực phẩm tại nơi đến để tránh con ăn các món quá khác biệt so với thường ngày. Hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ hoàn thiện để thích nghi nhanh với thức ăn lạ.
Phụ huynh hạn chế cho bé ăn các loại bánh kẹo, nước ngọt, mứt, thức ăn nhanh, chế biến sẵn vì cung cấp năng lượng rỗng, thiếu vitamin, khoáng chất, ít chất xơ, chứa nhiều đường hoặc muối. Tránh cho con dùng lại thức ăn cũ vì có thể không đảm bảo an toàn vệ sinh. Các loại hạt dưa, hạt bí, hướng dương… cũng không được khuyến khích vì dễ khiến trẻ bị sặc, hóc.
Trẻ uống đủ nước, dùng bữa đúng giờ, sinh hoạt điều độ, duy trì vận động trong dịp Tết. Phụ huynh đưa con đi khám dinh dưỡng để bác sĩ kiểm tra thể trạng, tư vấn về chế độ ăn uống nhằm giữ đà tăng trưởng trong và sau Tết tối ưu.
Kim Thành