Một số đại biểu Quốc hội cho rằng không nên buộc công ty con của doanh nghiệp Nhà nước phải đấu thầu do đây là quyền định đoạt tài sản của họ.
Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng đấu thầu chọn nhà đầu tư, dự án với doanh nghiệp Nhà nước. Như vậy, công ty con thuộc doanh nghiệp Nhà nước (có vốn Nhà nước 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng tổng vốn Nhà nước trong dự án trên 500 tỷ đồng) sẽ không phải đấu thầu.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, đồng tình với phương án này. Theo ông, trong các doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư tư nhân rất lớn. Nhiều tập đoàn tư nhân, công ty mẹ trong các doanh nghiệp Nhà nước cũng thiết kế quy trình đấu thầu phù hợp để chống thất thoát. Tức là nhu cầu tự thân chống thất thoát vốn của các doanh nghiệp nhóm này đã có, không cần thiết quy định tại luật.
“Mở rộng đối tượng doanh nghiệp áp dụng theo luật sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh kém linh hoạt, ảnh hưởng lợi ích nhà đầu tư, gián tiếp ảnh hưởng lợi ích Nhà nước”, ông nói.
Ủng hộ quan điểm của ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói không nên cực đoan khi bắt buộc công ty con thuộc doanh nghiệp Nhà nước phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Theo ông, cần phân biệt doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị có vốn đầu tư của Nhà nước. Chẳng hạn, doanh nghiệp chiếm trên 50% vốn Nhà nước khi đầu tư vào doanh nghiệp khác có thể chỉ chiếm 5-10% vốn tại đơn vị này.
“Tỷ lệ vốn Nhà nước thấp mà cũng phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là cực đoan, không cần thiết”, ông Nghĩa nói.
Mặt khác, theo đại biểu Nghĩa, doanh nghiệp chịu trách nhiệm cuối cùng về kết quả đấu thầu, không phải “cứ quấn nhiều vòng dây sẽ tốt hơn”.
“Ai tham nhũng tiêu cực đã có các quy định về thanh, kiểm tra. Luật Đấu thầu không thể khắc phục tất cả tham nhũng, tiêu cực”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Không đồng tình, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, tranh luận. Ông Toàn cho rằng, Luật Đấu thầu là công cụ quản lý, kiểm soát sử dụng tiền ngân sách Nhà nước, các nguồn thu có nguồn gốc từ ngân sách và doanh nghiệp nhà nước.
“Chủ trương của Đảng là không can thiệp vào quyền của doanh nghiệp. Việc đấu thầu này do doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước không can thiệp. Không có nghị quyết nào nêu không thực hiện đấu thầu, bởi đây là một công cụ quản lý, được áp dụng không chỉ trong lĩnh vực của Nhà nước”, ông nêu.
Cùng quan điểm với đại biểu Toàn, song ông Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ hơn với trường hợp doanh nghiệp có vốn Nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ.
“Khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào?”, ông Tiến đặt vấn đề.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận đây là luật khó vì phải giải quyết những vướng mắc và tạo điều kiện cho hoạt động đấu thầu, quản lý Nhà nước.
“Chúng ta quản lý chặt quá thì lại mất quyền tự chủ và gây khó khăn, ách tắc rồi lại phải sửa luật. Còn làm lỏng quá thì lại không đảm bảo được quản lý nhà nước”, ông Dũng nói.
Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, việc chỉ áp dụng đấu thầu với doanh nghiệp Nhà nước vẫn đảm bảo quản lý chặt sử dụng vốn Nhà nước. Bởi, dự thảo luật quy định, với tất cả hoạt động chọn nhà thầu có dùng vốn ngân sách, doanh nghiệp nhà nước hay không đều phải thực hiện đấu thầu. Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn, sử dụng hiệu quả đồng vốn Nhà nước.
“Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước tại đơn vị khác nhưng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế”, ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng phương án Chính phủ trình phù hợp với các quan điểm của Trung ương, các luật liên quan. Phương án này cũng tạo thông thoáng, thuận lợi cho đấu thầu của các doanh nghiệp Nhà nước, hiệu quả quản lý của vốn Nhà nước.
Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 23/6.