Milan chìm trong sương mù hôm thứ Ba khi một cuộc tranh cãi nổ ra về việc thành phố phía bắc nước Ý này bị xếp hạng là một trong những đô thị ô nhiễm nhất thế giới, cùng với Dhaka, Lahore và Thành Đô.
Cuộc tranh cãi bắt đầu vào Chủ nhật, khi trang web về chất lượng không khí thời gian thực của Thụy Sĩ, IQAir dán nhãn Milan “không trong lành” vì mức độ hạt mịn, hay PM 2.5, trong không khí của thành phố cao hơn 24 lần so với giới hạn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. IQAir xếp hạng Milan là thành phố ô nhiễm thứ ba thế giới, sau Dhaka ở Bangladesh và Lahore ở Pakistan.
Trên bảng xếp hạng của IQAir, Milan thậm chí từng vươn lên vị trí thứ hai vào thứ Hai, sau Thành Đô của Trung Quốc, trước khi tụt xuống vị trí thứ 10 vào thứ Ba (20/2). Theo trang web của IQAir, cơ quan này thu thập dữ liệu từ “các trạm của chính phủ và cảm biến chi phí thấp thuộc sở hữu của các nhà khoa học cộng đồng trên khắp thế giới”.
Thị trưởng Milan, Giuseppe Sala, người đã đưa ra một số biện pháp chống ô nhiễm mạnh tay kể từ khi được bầu vào vị trí này năm 2016, đã bác bỏ dữ liệu IQAir và mô tả đây là “những phân tích ngẫu hứng thông thường được thực hiện bởi một cơ quan tư nhân”.
Arpa Lombardy, một cơ quan bảo vệ môi trường phía bắc nước Ý, mô tả đánh giá của IQAir là “không đáng tin cậy”. Nhưng Arpa cũng xác nhận rằng không khí của Milan đã vượt quá giới hạn bụi mịn PM 2.5 trong những ngày gần đây, dẫn tới việc một loạt biện pháp chống ô nhiễm, bao gồm cả giới hạn giao thông ban ngày, sẽ được ban hành tại Milan và 8 thành phố bị ảnh hưởng khác ở khu vực.
Lombardy nằm trong Thung lũng Po, một khu vực địa lý rộng lớn ở miền bắc nước Ý, là một trong những nơi ô nhiễm không khí tồi tệ nhất ở châu Âu. Một cuộc điều tra của báo Guardian năm ngoái cho thấy hơn một phần ba số người sống trong thung lũng và các khu vực xung quanh hít thở không khí gấp 4 lần giới hạn hướng dẫn của WHO đối với các loại hạt bụi nguy hiểm.
Theo Guido Lanzani, giám đốc chất lượng không khí tại Arpa Lombardy, vấn đề này trong những ngày gần đây đã trở nên trầm trọng hơn do nhiệt độ cao trái mùa và sẽ giảm bớt khi có mưa từ thứ Năm.
Ông nói rằng mặc dù khu vực này đang trải qua “giai đoạn nghiêm trọng về ô nhiễm không khí”, cơ quan này “không thể xác nhận những gì đã được IQAir công bố”. Trao đổi với hãng tin LaPresse, Lanzani cho rằng dữ liệu trên trang này “thay đổi theo từng giờ” và đến từ “các nguồn rất khác nhau”.
Theo hãng tin EEA, chất lượng không khí kém có liên quan đến 50.303 ca tử vong sớm ở Ý vào năm 2020. Hầu hết các trường hợp này đều ở Milan, nhưng Cremona ở vùng Lombardy là tỉnh của Ý có tỷ lệ tử vong cao nhất – từ 150 đến 200 trên 100.000 dân – do PM 2.5.
Nguyễn Khánh (theo The Guardian)