Trên diện tích hơn 38km2, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) có tới 11 mỏ khai thác đá được cấp phép, trong đó có 7 mỏ đang hoạt động sản xuất khá rầm rộ gây bụi đá, tiếng ồn… ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây.
Sống chung với… bụi
Có mặt tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, chúng tôi chứng kiến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, bụi đá đang làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Buổi sáng có mưa, nước mưa thấm và làm nhão lớp bụi dày màu trắng bao phủ trên các tàu lá chuối, cây xanh hai bên con đường trục chính dẫn vào thôn Tam Sơn nên rất dễ nhận ra. Dưới đất, mặt đường bê tông bị bong tróc nghiêm trọng do các loại xe có trọng tải lớn đi lại, mặt đường cũng đang bị phủ bởi một lớp bùn màu xám bởi bụi đá.
Bà Hà Thị Nga - người dân trú tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường cho biết: Tình trạng bụi đá gây ô nhiễm môi trường ở đây đã kéo dài nhiều năm nay, bắt đầu từ khi Nhà máy xi măng Công Thanh đi vào hoạt động (năm 2006). Ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn ngày càng gia tăng khi có thêm 3 mỏ đá liên tiếp được chấp thuận chủ trương và cấp phép đi vào hoạt động. Hàng ngày, người dân phải đối mặt với tiếng ồn từ việc nổ mìn khai thác đá, tiếng máy xay đá công suất lớn, từng đoàn xe trọng tải lớn vào, ra nhà máy và các mỏ khai thác, kèm theo đó là khói bụi.
Ngày nắng, bụi đá bao phủ cây cối, khu dân cư, ngày mưa thì con đường trở thành một “dòng sông bùn” trơn trượt. Trước thực trạng trên, người dân trong thôn đã nhiều lần có ý kiến tại các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri nhưng tình hình cũng không được cải thiện là mấy. Nhiều năm nay, người dân Tam Sơn đã quen với cảnh sống chung với bụi đá và ô nhiễm do các mỏ đá gây ra. Tình trạng ô nhiễm này đang gây tác động tiêu cực lên sức khỏe, đời sống cũng như sự phát triển kinh tế của nhân dân địa phương.
“Chúng tôi yêu cầu phía mỏ đá phải tuân thủ đúng theo pháp luật về môi trường mà Nhà nước đã quy định. Điều này không chỉ giúp bà con an tâm sinh sống mà còn góp phần giúp địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới” - bà Nga bày tỏ.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Nói về tình trạng ô nhiễm môi trường do các mỏ khai thác đá gây ra, ông Lương Văn Định - Trưởng thôn Tam Sơn, xã Tân Trường cho biết: Trên địa bàn thôn có 1 nhà máy xi măng và 3 mỏ đá cùng hoạt động sẽ không tránh được tình trạng ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Điều này đòi hỏi, các chủ mỏ trong quá trình sản xuất phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
“Sau nhiều phản ánh của bà con nhân dân, đặc biệt là các đợt tuyên truyền giám sát bảo vệ môi trường của UBND xã, hiện nay các mỏ đá đã chấp hành đúng các quy định về giờ giấc hoạt động, thường xuyên cho xe tưới nước, dọn vệ sinh mặt tuyến đường dân sinh của thôn... Nhờ vậy, thời gian qua môi trường ở đây cũng đã được cải thiện phần nào” - ông Định nói.
Ông Nguyễn Anh Hùng - Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết: Các cơ quan chức năng thuộc UBND tỉnh, thị xã đã thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ môi trường tại các mỏ đang hoạt động trên địa bàn. Hiện nay, hầu hết các mỏ khai thác đá ở Tân Trường đã trồng hàng rào cây xanh để chắn bụi, tưới nước tại các khu vực xay, nghiền đá, tưới nước và dọn vệ sinh mặt đường. Tuân thủ nghiêm ngặt thời gian nổ mìn, sản xuất theo quy định. Nhờ vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được giảm thiểu.
“Ngoài 11 mỏ đá được cấp phép, hiện tại còn có thêm 3 dự án khu công nghiệp khác đang được triển khai. Chính vì vậy công tác bảo vệ môi trường đối với địa phương là bài toán khá nan giải. Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cùng chung tay bảo vệ môi trường, nỗ lực cùng địa phương để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian sắp tới”- ông Hùng cho biết.
Nguồn: https://daidoanket.vn/thanh-hoa-bui-tu-cac-mo-da-gay-o-nhiem-nghiem-trong-10300204.html
Bình luận (0)