Với những nỗ lực, ngành du lịch Trà Vinh đã có những đột phá đáng kể. Năm 2023, tỉnh đã thu hút 2,1 triệu lượt khách, tăng 49,72% so với năm 2022, mang lại doanh thu hơn 1.700 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2024, tổng lượt khách đạt hơn 1,5 triệu, tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.
Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa giao thoa, đa dạng, có nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống như: Chôl Chnam Thmây, Ok Om Bok, Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, Cúng biển Mỹ Long…
Đông đảo người dân, du khách đến với lễ Vu lan Thắng hội tại huyện Cầu Kè. |
Tỉnh hiện có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer là những công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo; có 2 bảo vật quốc gia, 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 16 di tích cấp quốc gia và 41 di tích cấp tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút, phát triển loại hình du lịch văn hóa.
Những năm qua, Trà Vinh đã chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng. Huyện Cầu Kè với các di tích văn hóa, nhà cổ cùng những tín ngưỡng tôn giáo độc đáo đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mang đậm dấu ấn văn hóa của tỉnh. Sự kiện Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh gắn với tuần lễ Vu lan Thắng hội năm 2024 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, tỉnh đã đề ra nhiều định hướng quan trọng để bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa. Trong đó, có lễ Vu lan Thắng hội, một di sản mới được công nhận đưa vào di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Theo đó, ngành văn hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa thông qua các sự kiện, hoạt động lễ hội, đồng thời, tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, gia đình và nghệ nhân trong việc tổ chức truyền dạy, trình diễn và quảng bá lễ hội.
Những nghi thức tế lễ truyền thống và các tập quán xã hội có liên quan sẽ được phục hồi và duy trì, bảo đảm lễ hội không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển bền vững trong cuộc sống đương đại. Đặc biệt, các hoạt động như trình diễn nghệ thuật, ca nhạc truyền thống và các nghi lễ Phật giáo sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển.
Đặc sản chôm chôm Cù lao Tân Quy, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè. |
Ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã không ngừng phát triển các tuyến điểm du lịch mới để thu hút du khách. Tuyến du lịch văn hóa cộng đồng “Thành phố Trà Vinh – Làng Văn hóa Du lịch Khmer – Cồn Chim” đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, các tuyến du lịch sinh thái như “Thành phố Trà Vinh – Làng Văn hóa Du lịch Khmer – Cồn Hô”; “Thành phố Trà Vinh – Cầu Ngang – Cồn Ông – Biển Ba Động” mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ về thiên nhiên và văn hóa.
Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành tại Cần Thơ Trần Thanh Nghị chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Trà Vinh trong việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các lễ hội truyền thống, điều này đã thu hút sự quan tâm lớn từ du khách trong và ngoài nước”.
“Qua quá trình khảo sát, với các sản phẩm du lịch sinh thái tại Trà Vinh như Cồn Chim, cồn Hô và các khu sinh thái ven sông Hậu tiềm năng tạo ra những trải nghiệm du lịch thân thiện với môi trường góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ thiên nhiên trong cộng đồng”, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam, cho biết.
Hoạt động đua ghe ngo của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh trong lễ hội Ok Om Bok. |
Thực tế hiện nay, du lịch của tỉnh Trà Vinh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng du lịch và công tác bảo tồn vẫn còn những mặt hạn chế nhất định, đòi hỏi sự hỗ trợ và hợp tác từ các tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch bền vững, tỉnh Trà Vinh cần tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, mời gọi đầu tư, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực và kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là kỹ năng hướng dẫn viên, quản lý du lịch và bảo tồn di sản.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng, theo xu hướng hiện nay, Trà Vinh cần đẩy mạnh công tác quảng bá di sản văn hóa và các điểm du lịch của tỉnh qua các kênh truyền thông hiện đại, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn dựa trên giá trị di sản. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động du lịch, từ đó tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống”.
Ao Bà Om, Phường 8, thành phố Trà Vinh (Trà Vinh) với hàng trăm cây cổ thụ trăm năm tuổi. |
Tuy vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với những nỗ lực và chính sách đúng đắn, Trà Vinh hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển kinh tế và văn hóa của khu vực.
Việc duy trì và phát huy các giá trị di sản trong quá trình phát triển du lịch không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là của cả cộng đồng, góp phần tạo nên một Trà Vinh phát triển bền vững.
Nguồn: https://nhandan.vn/tra-vinh-phat-huy-gia-tri-di-san-gan-voi-phat-trien-du-lich-post827860.html