Câu giải đáp đã được nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng tiết lộ trong buổi tọa đàm 'Trà trong truyền thống văn hóa Việt Nam' do Học viện Trà sư Quốc tế phối hợp cùng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức.
Mặc dù chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ, nhưng buổi tọa đàm 'Trà trong truyền thống văn hóa Việt Nam' tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã thu hút gần 100 khách mời từ bạn trẻ đến những nhà nghiên cứu, những người yêu trà và các doanh nhân.
Tại tọa đàm, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Quang Dũng, Th.S Nguyễn Hiếu Tín - Trưởng Bộ môn Du lịch, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trà sư Ngô Thị Thanh Tâm cùng nhiều nhà nghiên cứu, yêu trà Việt đã có những chia sẻ, đề xuất để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa Trà Việt có từ ngàn đời nay do cha ông để lại.
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm mong muốn những người yêu trà Việt sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh và câu chuyện về trà hơn nữa để bảo tồn và phát huy di sản trà mà cha ông đã để lại
Trà có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống người Việt?
Buổi tọa đàm giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử, ý nghĩa văn hóa, nghi thức của trà Việt, vai trò của trà trong kết nối văn hóa và phát triển du lịch cũng như những thách thức đối với văn hóa trà Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, phát triển toàn cầu.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho hay, đây là diễn đàn học thuật tạo cơ hội cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người học cùng nhau bàn về những giá trị của văn hóa trà Việt Nam và tìm ra những phương hướng bảo tồn, phát triển phù hợp.
TS Phạm Tấn Hạ phát biểu tại buổi tọa đàm
"Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về xu hướng tiêu dùng mới trong xã hội hiện đại. Điều này khiến những giá trị văn hóa truyền thông có nguy cơ bị mai một. Với lý do đó, tọa đàm được tổ chức không chỉ đánh giá giá trị lịch sử và tinh thần của trà mà còn hướng tới những giải pháp cụ thể nhằm tôn vinh văn hóa", TS Phạm Tấn Hạ nêu vấn đề.
Th.S Nguyễn Hiếu Tín cho hay, trà là một nghệ thuật ẩm vị phương Đông độc đáo. Ngày xưa, trà được xem như 1 trong 7 vị không thể thiếu được ngoài nước, muối, giấm, tương, dầu… trong đó có trà. Trong đời sống tinh thần, trà là một loại hình nghệ thuật, thú vui tao nhã của ngày xưa được ví như cầm kỳ thi họa. Điều này cho thấy trà có giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần, vượt ra khỏi chức năng ban đầu là giải khát trở thành nét văn hóa tinh thần mang nhiều dấu ấn.
Th.S Nguyễn Hiếu Tín (bên phải) và trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã có những chia sẻ thú vị tại buổi tọa đàm về trà Việt
Trong văn hóa giao tiếp, trà đóng vai trò quan trọng, người uống có thể chiêm nghiệm quá khứ, hiện tại khi thưởng trà. Trà cũng là sự kết nối tâm tình, gặp gỡ giữa mọi người, kết nối giá trị cộng đồng, xã hội. Nghệ thuật thưởng trà hình thành từ nhiều trường phái, phong cách thể hiện được sự phong độ văn hóa, đặc trưng từng vùng miền, quốc gia.
"Khi thưởng thức không chỉ dừng lại việc thẩm trà mà mở rộng thành không gian văn hóa trà. Trong không gian này tích lũy nhiều loại hình nghệ thuật như cách kết nối, xúc tác cho các thi sĩ để sáng tác, tương tự với hội họa, thư pháp. Từ nghệ thuật thưởng trà đã làm nên dấu ấn giá trị tinh thần đặc trưng của trà, một sản phẩm văn hóa toàn năng. Trong các kỳ lễ hội hay cuộc gặp gỡ, ngoài việc uống trà lúc nói chuyện, trà còn là quà tặng ý nghĩa. Đỉnh cao nữa là trà xuất hiện trong đời sống tâm linh với những lễ nghi không thể thiếu", ông Tín nói.
Tóm gọn lại, ông Tín nói rằng trà có 4 ý nghĩa lớn là khởi nguồn văn hóa giao tiếp, sản phẩm văn hóa quà tặng, chất khơi nguồn cho các loại hình nghệ thuật khác phát triển và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh.
Di sản mấy ngàn năm do ông cha để lại
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Quang Dũng, người được biết đến là tác giả của cuốn Văn Minh Trà Việt (một trong những tác phẩm tiêu biểu, được ví như Bách khoa toàn thư về trà Việt) cho biết, trà Việt có nguồn gốc từ 5.000 năm trước. "Tại sao tôi dám nói là 5.000 năm vì ông tổ trà mà toàn thế giới thừa nhận hiện nay là Thần Nông, người tìm ra trà cho nhân loại. Đối với Việt Nam, vị tổ duy nhất là Thần Nông, không có người thứ hai", ông Dũng khẳng định.
Những tập tục văn hóa từ ngàn xưa của người Việt chứng tỏ sự gần gũi, gắn bó với vòng đời từ sinh ra, trưởng thành, tín ngưỡng, lìa đời.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Quang Dũng chia sẻ về trà
Khi sinh ra, người Việt tắm nước chè tươi. Trong đời sống thường nhật khi trưởng thành có đồ uống chính là chè tươi, trà đá, chè rời, chè bánh, chè lam. Trà cũng là quý phẩm phải có trong sự kiện trọng đại như cưới hỏi (người Việt cổ mang trà, bánh, đất đi hỏi vợ), là vật phẩm thiết yếu trong lễ hội, quý phẩm linh thiêng trong tâm linh Việt. Khi "ra đi", trà khô là thứ trải dưới đáy áo quan khi tẩm liệm, giữ vệ sinh trong suốt quá trình nghi lễ. Trà là quý phẩm trân trọng, thanh tao trong xã giao - ngoại giao trà.
"Trà đồng hành với người Việt từ thời ông cha, có nhiều dược tính tốt, len lỏi trong đời sống của nhiều người. Việt Nam là nước duy nhất có hai dòng trà tồn tại là dòng trà dân gian và dòng trà cung đình. Dòng trà dân gian mang tính giải khát còn dòng trà cung đình trước đây của tầng lớp trên nhưng giờ đã đi vào cuộc sống của nhiều người, uống để suy ngẫm, thưởng thức tinh túy của trà", ông Dũng chia sẻ.
GS.TS Phan Thị Thu Hiền, giảng viên cao cấp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ tại buổi tọa đàm
Clip cô gái Phan Quế Hà Vy pha trà thu hút sự quan tâm của mọi người
Cũng theo ông Dũng, ngoài đời sống thường nhật, trà cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch cảnh quan, nghỉ dưỡng. Du lịch trà đang là một khoảng trống đầy tiềm năng trong tổng thể thị trường du lịch Việt Nam. Trà có thế mạnh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, hứa hẹn đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.
Trà được cô gái Phan Quế Hà Vy pha mời mọi người tham dự tọa đàm thưởng thức
Tham dự buổi tọa đàm, nhiều người cũng để lại những câu hỏi, ý kiến về những giải pháp về phát triển văn hóa trà Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Trong đó bà Phan Hương, trà nghệ sư ở Vũng Tàu cho biết, bản thân có 5 năm qua theo đuổi việc lan tỏa trà Việt dù không trực tiếp sản xuất. Mỗi năm, bà đều tổ chức tiệc trà hơn 1.000 người tham gia từ người già đến người trẻ.
Bà Phan Hương chia sẻ về giải pháp phát triển văn hóa trà
"Thông qua những bữa tiệc trà sẽ nói với đối tượng tham dự về văn hóa trà Việt. 3 năm qua, tôi mở rộng và thực hiện thành công với đối tượng là phạm nhân. Năm đầu tiên, mọi người hưởng ứng dù trước đó không dễ đem trà vào. Tôi vừa biểu diễn trà, mời trà và tập cho họ một vài bài tập về sức khỏe. Qua việc mời trà, tôi truyền đi một thông điệp đạo đức để phạm nhân cùng nghe, cùng hiểu", bà Hương nói.
Buổi tọa đàm còn thu hút khá nhiều ý kiến, đề xuất từ PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn); ông Đào Ngọc Thọ - Tổng giám đốc Doanh nghiệp trà Doanh Châu (đơn vị xuất khẩu trà sang Đài Loan); Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM.
Các ý kiến đề xuất xoay quanh câu chuyện về không gian bảo tồn, phát huy văn hóa trà Việt. Bên cạnh đó, phát triển ngành trà trở thành một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam có thể đến với nhiều thị trường quốc tế, cũng như biến trà Việt trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của Việt Nam.
Ban tổ chức buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm sau khi khép lại 3 giờ đồng hồ cùng trao đổi, chia sẻ về trà Việt với nhiều kiến thức và tình yêu trà
TS Dương Đức Minh nêu vấn đề làm sao để trà Việt được tiếp cận và đến nhiều hơn với du khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM (khi lượng khách quốc tế đến VN ngày càng bùng nổ). Ông Minh cũng đang ấp ủ kế hoạch sẽ tạo nên những không gian thưởng trà đặc biệt giành riêng cho các du khách nước ngoài ngay tại trung tâm TP.HCM, tạo thêm cầu nối văn hóa, danh mục du lịch thú vị cho thành -phố.
Câu chuyện gìn giữ, nâng tầm và phát huy trà Việt trở thành một di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc, kế thừa và "đi tìm lại con đường xưa" mà cha ông ngàn năm đã để lại cho con cháu cứ tiếp nối không ngừng dù thời gian của buổi tọa đàm là có hạn.
Các diễn giả, những nhà nghiên cứu về trà Việt chụp ảnh lưu niệm cùng nhau với mong muốn sẽ tiếp tục phát huy, quảng bá di sản trà Việt
Khép lại buổi tọa đàm, Trà sư Ngô Thi Thanh Tâm, người sáng lập Học viện đào tạo Trà sư quốc tế MTG gửi lời cảm ơn đến các diễn giả, nhà nghiên cứu và mọi người đã yêu trà mà ghé đến tham dự rất nhiệt tình và sôi nổi.
Theo Trà sư Thanh Tâm di sản trà Việt do cha ông để lại đã có sẵn, quan trọng là giờ đây mỗi cá nhân có mặt tại đây sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh và di sản về trà đến với nhiều người hơn nữa.
Người sáng lập Học viện trà sư Quốc tế chia sẻ rằng muốn lan tỏa hiệu quả, sống động về trà Việt thì nhiều người cần hiểu rõ về trà, có một "tình yêu đặc biệt" dành cho trà Việt. “Ở học viện của tôi không chỉ đào tạo một người pha trà đơn thuần mà còn hiểu, yêu trà và biết cách pha trà. Tôi hy vọng những người yêu trà Việt và muốn pha trà ngon hãy học, phát huy những tinh hoa ngày xưa, tiếp thu những tiến bộ của thời đại để trà Việt tự hào về lịch sử 5.000 năm qua”, trà sự Ngô Thị Thanh Tâm bày tỏ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tra-viet-co-tu-bao-gio-lam-sao-luu-giu-di-san-ngan-nam-ma-cha-ong-de-lai-185250218104405318.htm
Bình luận (0)