Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng 30% là chưa bình đẳng
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình, phù hợp từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách. Đại biểu cho rằng, việc bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương còn bất cập do đưa phụ cấp công vụ 25% vào bảng lương mới dẫn đến lương cơ bản của công chức tăng bình quân là 23,25% (thấp so với viên chức tăng bình quân là 54,3% và mức tăng 43,96% của lực lượng vũ trang).
“Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng 30% và lực lượng vũ trang tăng 51,93% là chưa bình đẳng với các đối tượng hưởng lương, chưa phù hợp với bảng lương mới theo dự kiến. Mức lương thấp nhất của nhân viên bậc 1, trung cấp, tập sự trong bảng lương tập sự thấp so với mức tăng lương, mức bình quân của công chức, dễ gây tâm tư không ổn định khi chúng ta cải cách tiền lương” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, khi chuyển xếp từ lương cũ sang lương mới đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo đang hưởng lương chuyên môn, nghiệp vụ với phụ cấp chức vụ lãnh đạo sẽ rất khó khăn do nhiều bậc lương cũ như: ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp, viên chức khác nhau lại được xếp vào một mức lương chức vụ mới dẫn đến có nhiều trường hợp có mức lương thấp hơn so với mức lương hiện hưởng. Ngoài ra, tính lương theo vị trí việc làm còn phải sửa đổi rất nhiều quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở hiện hành.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng phân tích, phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ trước và sau ngày 1/7/2024, cũng như bỏ phụ cấp nghề thâm niên của một số công chức, viên chức chuyên ngành khiến lương mới giảm nhiều – nhất là ở vùng cao, khó khăn, phụ cấp ưu đãi dẫn đến tâm tư cho công chức, viên chức.
Các nhà giáo vẫn tiếp tục điệp khúc “câu đợi, câu chờ”
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, giải pháp điều chỉnh tăng lương cơ sở đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khu vực công từ 1,8 triệu đồng lên 2.340 nghìn đồng, tăng 30%, tăng vào quỹ tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2024 đã đáp ứng được một phần sự mong mỏi của cử tri, nhưng do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương nên chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng thang bảng lương, chế độ phụ cấp như hiện hành. Vì thế, một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có công chức, viên chức ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều tâm tư và băn khoăn.
Theo đại biểu Dương Minh Ánh, từ năm 2013, sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đến nay, nhiều chính sách lớn về đổi mới giáo dục đã được ban hành, yêu cầu về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cả về chất và lượng ngày càng cao, tạo áp lực không nhỏ lên vai các nhà giáo nhưng chính sách tiền lương lại chỉ áp dụng Nghị quyết 29, đó là lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hệ thống lương hành chính sự nghiệp. Sau 11 năm đến nay quy định này vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai.
Trong suốt thời gian qua, các nhà giáo vẫn luôn cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, luôn động viên nhau hãy chờ đợi và hi vọng rồi một ngày nào đó sẽ có sự thay đổi lớn về chính sách tiền lương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, các nhà giáo vẫn sẽ tiếp tục điệp khúc “câu đợi, câu chờ” cho đến khi có chính sách cải cách tiền lương mới ban hành.
“Tôi tha thiết đề nghị với Quốc hội, Chính phủ khi nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương tới đây cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng luật hoặc các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề đối với các nhà giáo” – đại biểu Dương Minh Ánh nêu.
Cùng với tăng lương phải có giải pháp bình ổn giá
Quan tâm góp ý về cách thức trả lương, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho biết, trong Nghị quyết 27/2018 của Trung ương có nêu là chúng ta đã cải cách tiền lương tới 4 lần, lần gần nhất là năm 2003. Nếu so sánh nền kinh tế năm 2003, lúc đó GDP của chúng ta khoảng 45 tỷ USD và hiện nay là hơn 450 tỷ USD, tức là tăng lên khoảng 10 lần. Việc tích trữ được 913 nghìn tỷ để trả lương cho đợt này là một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Chính phủ xem xét đưa ra công thức trả lương theo mức tăng GDP: GDP tăng đến đâu thay đổi tiền lương tới đó. Việc tăng lương theo GDP sẽ giúp cán bộ, công chức yên tâm về thu nhập, gắn bó lâu dài với công việc và cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu bởi vì lúc đó lương đủ lớn, đủ trang trải, nuôi gia đình, xứng đáng thì họ sẽ không muốn tham nhũng và e ngại khi dính vào tham nhũng vì sẽ có thể mất đi nguồn thu nhập rất lớn.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề nghị bên cạnh tăng lương vẫn tiếp tục phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách tinh giản bộ máy biên chế. Đời sống được tăng mức lương nhưng song song đó là tinh gọn bộ máy và tinh giản biên biên chế vẫn phải tích cực hơn nữa.
Đại biểu cho biết, thực tế trước khi tăng lương thì giá đã tăng trước một đoạn. Vì thế, cùng với tăng lương cần có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Đồng thời, phải quan tâm đến vấn đề giảm trừ gia cảnh, lương tăng 30% thì ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng được 30%, thậm chí phải đến 50%.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tra-luong-theo-muc-tang-gdp-se-chong-tham-nhung-tu-dau.html