(LĐXH) - Số liệu thống kê cho thấy, lần đầu tiên TPHCM không còn là điểm đến lý tưởng của dân nhập cư khi năm 2023 chỉ có khoảng 65.000 người đến lập nghiệp, giảm hơn một nửa so với những năm trước.
Tình trạng sụt giảm dân nhập cư đặt thành phố trước những vấn đề nan giải.
TPHCM có còn là “miền đất hứa”?
Thực tế, lượng người nhập cư vào TPHCM trong năm 2024 cũng không hơn gì so với năm 2023. Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, họ đến nhiều địa phương ở miền Trung, miền Bắc và vùng đồng bằng sông Cửu Long tuyển lao động, nhưng kết quả không mấy khả quan, khi lượng lao động tuyển được chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu.
Bên cạnh đó, lượng người nhập cư tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức cũng không đông như trước. Một số người hành nghề bán hàng rong, bán vé số cho biết, trong 2 năm gần đây những người đồng hương của họ không còn mặn mà đến TPHCM mưu sinh, mặc dù việc kiếm sống ở thành phố khá ổn định, mức sống nhìn chung không thua kém so với trước.
Vậy, tại sao TPHCM lại không còn là “lựa chọn hàng đầu” cho lao động ngoại tỉnh như trước? Theo phân tích của bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, có một số nguyên nhân khiến lao động nhập cư rời thành phố và số người mới đến khá ít là do phần lớn lao động nhập cư gửi con ở quê đến thành phố kiếm tiền và sẽ hồi hương khi tích lũy được ít vốn.
Công việc thuận lợi thì tốt nhưng nếu có biến động về việc làm, chính sách, dịch bệnh, họ sẽ lập tức về quê. Điều này thể hiện rõ khi nhìn số liệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 2 năm gần đây tăng cao, khi mỗi năm lên đến gần 150.000 người.
Các yếu tố trên có thể ví như "giọt nước tràn ly" khiến người nhập cư rời đi nhiều hơn trong 2 năm qua nhưng sâu hơn còn nhiều yếu tố khác. Cụ thể là cơ hội việc làm đang mở rộng ở các tỉnh với các khu công nghiệp, doanh nghiệp về đầu tư. Địa phương cũng có nhiều cơ chế, chính sách thu hút lao động trở về.
Cũng theo bà Thúy, yếu tố quan trọng nữa khiến lao động rời đi là chi phí sinh hoạt ở TPHCM thuộc nhóm cao nhất nhì cả nước. Do đó, một bộ phận người nhập cư không gồng gánh được, họ làm mà không có tích luỹ. Nhiều người chọn hồi hương, thu nhập có thể không cao nhưng chi phí thấp, lại được gần con, chăm sóc gia đình.
Đặc biệt, một số khảo sát chỉ ra rằng yếu tố gần gia đình, người thân được lao động đề cao hơn sau những biến cố dịch bệnh, thiên tai. Điều này cũng góp phần thúc đẩy người di cư rời đô thị, trong đó có TPHCM.
Tín hiệu đáng mừng nhưng cũng đáng lo
Trước thông tin số người nhập cư vào thành phố sụt giảm, có không ít ý kiến theo góc nhìn tích cực cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng. Trước hết, điều này cho thấy vai trò “độc tôn” về cơ hội việc làm tại TPHCM không còn được duy trì khi nhiều tỉnh, thành khác cũng đã phát triển nhanh chóng, đầu tư nhiều cơ sở thu hút người lao động "bỏ phố về quê".
Bên cạnh đó, về giáo dục, hiện các tỉnh, thành đã có nhiều trường học, không nhất thiết phải đến TPHCM.
Về việc làm, các trung tâm công nghiệp đã mở trên cả nước, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng với nhiều tập đoàn lớn. "Nhiều tỉnh, thành đã "dọn tổ" rất tốt để đón "đại bàng". Như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không thiếu việc làm về công nghiệp, dịch vụ... mà chi phí sinh hoạt lại dễ chịu hơn.
Cùng với đó, cũng có ý kiến cho rằng đây là chu kỳ phát triển của một thành phố, nó sẽ là cơ hội để TPHCM điều tiết, phân bổ lại dân cư, xây mới, sắp xếp, giải tỏa... để kiến trúc thành phố có bộ mặt hiện đại, văn minh. Đây cũng là cơ hội để đưa các ngành thâm dụng lao động từng bước chuyển ra khỏi thành phố, kéo theo lao động tay nghề thấp giảm.
Ở chiều ngược lại, thành phố nên ưu tiên các ngành nghề công nghệ, trình độ cao. Người lao động sẽ có thu nhập cao và kéo theo nhu cầu thuê căn hộ có điều kiện sống tốt tăng cao. Đây là xu thế tất yếu khi thành phố chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang ngành nghề có trình độ cao.
Tuy nhiên, ở góc nhìn thực tế, một lãnh đạo thành phố cho rằng, việc lao động nhập cư rời thành phố và số nhập cư mới giảm mạnh là vấn đề đáng quan tâm, bởi TPHCM không thể một ngày vắng bóng người nhập cư.
Họ đến đây tìm cơ hội cho chính mình đồng thời đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Nếu tính từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay, gần 40 năm qua, người nhập cư là động lực to lớn giúp thành phố được như hôm nay.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy khẳng định: “Bất kỳ người di cư nào từ chuyên gia đầu ngành đến anh giao hàng, làm công việc giản đơn chọn thành phố để mưu sinh, tìm kiếm việc làm chân chính, chúng tôi đều ghi nhận và hoan nghênh. Ví dụ một lao động có tay nghề cao đang làm việc và cần phải tập trung thời gian cho công việc của mình.
Tuy nhiên, đến giờ ăn anh ấy phải ra ngoài, sẽ ảnh hưởng công việc. Lúc này, shipper chính là giải pháp hỗ trợ. Người giao hàng đã gián tiếp giúp lao động có tay nghề hoàn thành tốt công việc của mình. Do đó cả hai đều có sự đóng góp cho thành phố và cần được ghi nhận.
Thành phố này vận hành không theo kiểu đúng giờ tất cả vào công sở, nhà máy mà đó chỉ là một phần, ngoài kia có hàng trăm nghìn dịch vụ cần hàng triệu lao động đủ trình độ, thành phần, tương trợ nhau để cùng phát triển”.
Phải thay đổi để tăng sức hút
Nhìn vào quá trình dịch chuyển các ngành công nghiệp trên thế giới, khi đến một thời điểm thì các ngành thâm dụng lao động sẽ rời các đô thị hoặc đất nước để nhường chỗ cho các ngành công nghệ, kỹ thuật cao. TPHCM cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Thành phố đã dự liệu, tính toán để chấp nhận cho sự thoái trào này và đang nỗ lực tạo ra các lực hút mới từ các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, dịch vụ, du lịch, tài chính, đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ tạo ra các động lực tăng trưởng mới với các nhóm ngành mới mà người lao động chỉ có thể tìm thấy cơ hội phát triển tốt nhất ở đây.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng cho biết, dù đang tạo ra các động lực tăng trưởng mới, thu hút nhóm lao động mới nhưng không có nghĩa thành phố không cần lao động giản đơn. Quan điểm của thành phố là hoan nghênh mọi thành phần lao động đến nếu nơi đây vẫn đáp ứng cơ hội việc làm, thu nhập tốt cho mọi người.
Theo kịch bản tăng trưởng, giai đoạn 2025 - 2030, nếu TPHCM muốn tăng trưởng hơn 8% mỗi năm thì cần bổ sung trên 1 triệu lao động. Vì vậy, việc thu hút lao động nhập cư là một trong những vấn đề sống còn đối với kinh tế thành phố.
Theo PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), để giữ chân lao động di cư, TPHCM phải chấp nhận đối mặt với nhiều thách thức cũng như phải cải thiện, thay đổi nhiều chính sách.
“Hàng chục năm qua, TPHCM thu hút lao động di cư theo cách tự nhiên, tức để xã hội tự điều tiết. Tuy nhiên, hiện tình hình có nhiều biến chuyển, thành phố cần tính toán thu hút có chọn lọc, mong muốn ai sẽ đến thành phố và thành phố mang đến cho họ điều tốt đẹp về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục mà tỉnh, thành khác không có được”, ông Lộc cho hay.
Muốn giữ dòng người nhập cư ở lại thành phố và thu hút thêm cần sự nỗ lực của cả chính quyền, cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.
Bảo Khánh
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/tphcm-sut-giam-hon-mot-nua-dan-nhap-cu-tin-hieu-vua-dang-mung-vua-dang-lo-20250122104627434.htm
Bình luận (0)