Chiều 26-6, Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM phối hợp với Chi hội An toàn thông tin phía nam (Vnisa phía Nam) tổ chức hội thảo “Mô hình và phương án lựa chọn trung tâm dữ liệu dự phòng thành phố” nhằm lắng nghe ý kiến và nghiên cứu, tìm kiếm, đề xuất các giải pháp xây dựng và vận hành Trung tâm Dữ liệu dự phòng thành phố.
Trung tâm Dữ liệu dự phòng là tập hợp các chính sách, công cụ và quy trình để cho phép khôi phục hoặc tiếp tục cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ quan trọng sau thảm họa tự nhiên hoặc do con người gây ra. Hệ thống này còn bao gồm các kiến thức về mô hình, bảo mật, khả năng phục hồi sau sự cố và đảm bảo tính liên tục trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn TPHCM.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang trở nền tảng vô cùng quan trọng của cơ quan chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp tại TPHCM. Với vai trò là trung tâm văn hóa, kinh tế xã hội hàng đầu cả nước, TPHCM đã triển khai nhiều hệ thống chuyển đổi số dùng chung, phục vụ cho công tác chuyển đổi số cho các sở ngành, quận huyện, các đơn vị trên địa bàn TPHCM.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác chuyển đổi số, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro đang tiềm ẩn, những nguy cơ về thiên tai thiên nhiên, tình trạng đánh cắp dữ liệu, phá hoại tống tiền, những cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi đều có thể gây hại cho cơ sở hạ tầng của TPHCM ảnh hưởng đến an ninh dữ liệu, an toàn thông tin.
“Với những nguy cơ tiềm ẩn này, việc nghiên cứu và triển khai Trung tâm Dữ liệu dự phòng của thành phố là rất cần thiết, không chỉ là giải pháp mà còn là yêu cầu cấp thiết. Trung tâm Dữ liệu dự phòng sẽ giúp cho TPHCM đảm bảo hoạt động liên tục trong hoạt động trong hệ thống thông tin, đảm bảo hoạt động cho chính quyền, công tác phục vụ người dân đảm bảo thông suốt. Đồng thời, nâng cao khả năng phục hồi sau thảm họa và bảo vệ các dữ liệu quan trọng của TPHCM”, bà Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh tại sự kiện.
Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về triển khai và quản lý Trung tâm dữ liệu dự phòng; công nghệ, giải pháp và xu hướng mới trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu và an toàn thông tin với phương pháp hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả và an toàn của hệ thống dữ liệu. Ngoài ra, cung cấp thông tin về các quy chuẩn, quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước liên quan đến an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và quản lý trung tâm dữ liệu để đảm bảo mọi hoạt động đều tuân thủ đúng quy định.
Theo đại diện Công ty SVTech, mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống còn của doanh nghiệp hiện nay, là tấn công mạng Ransomware. Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố nghiêm trọng. Trong đó, tính riêng 3 tháng đầu năm nay, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 2.323 cuộc. Vòng đời trung bình của một vụ rò rỉ dữ liệu là 314 ngày, mất 7 tháng để nhận diện, 4 tháng để khôi phục.
Do đó, việc sao lưu dữ liệu, hay thành lập trung tâm dữ liệu dự phòng là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Chiến lược sao lưu tốt, không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của ransomware… nhưng nó sẽ là cứu cánh cho đơn vị tổ chức khi bị tấn công.
TS Trịnh Ngọc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Vnisa Phía Nam cho rằng, trung tâm dữ liệu dự phòng cần được chia ra thành 3 bộ phận cấu thành chính như: Ứng dụng lõi quản lý TPHCM (email, quản lý văn bản, số hóa hồ sơ, họp trực tuyến…), ứng dụng dữ liệu (thuế, VNeID, phạt nguội…), ứng dụng dịch vụ công TPHCM (cổng thông tin TPHCM, thông tin giao thông, quy hoạch TPHCM…), kinh doanh (các nền tảng kinh doanh trực tuyến, thanh toán trực tuyến…). Bên cạnh đó, TPHCM cũng nên xây dựng hệ thống dữ liệu dự phòng chống được ransomware, để đảm bảo khả năng cung ứng dịch vụ công, an toàn an ninh mạng.
Thông qua hội thảo, Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM mong muốn ghi nhận các ý kiến góp ý, đề xuất, kiến nghị liên quan đến mô hình, phương án trung tâm dữ liệu dự phòng để từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể mang lại hiệu quả tại TPHCM.
BÙI TUẤN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tphcm-se-thanh-lap-trung-tam-du-lieu-du-phong-post746428.html