TPBank khởi động dự án tính vốn theo phương pháp xếp hạng nội bộ Basel III, nâng khả năng quản trị rủi ro và tài chính lên một bậc, ngày 31/5.
Ngân hàng vừa tổ chức lễ khởi động dự án Tính vốn theo Basel III dựa trên phương pháp Xếp hạng nội bộ bao gồm cả cơ bản và nâng cao (FIRB & AIRB). Tham dự sự kiện có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Cục Giám sát An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, cùng đại diện Công ty TNHH KPMG – đối tác triển khai dự án.
Việc triển khai IRB không chỉ giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn mà còn góp phần nâng cao năng lực quản trị khi ứng dụng các kết quả của IRB vào hoạt động kinh doanh. Một trong những ứng dụng nổi bật nhất của IRB là trong hoạt động quản trị tín dụng như: xác định hạn mức, định giá khoản vay, đo lường hiệu quả. Song song đó là quản lý danh mục chủ động theo các mức độ rủi ro, lợi nhuận điều chỉnh rủi ro và khẩu vị của ngân hàng đối với từng danh mục rủi ro cụ thể, từ đó góp phần vào các quyết định phân bổ vốn và lập kế hoạch/chiến lược vốn hiệu quả. Bên cạnh những ứng dụng này, TPBank sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các kết quả của IRB trong quá trình triển khai dự án sắp tới để góp phần nâng cao hơn nữa năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng.
Tại sự kiện, ông Lê Trung Kiên – Phó cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, đánh giá cao định hướng cũng như sự chủ động của TPBank khi triển khai dự án Basel III.
Theo ông Kiên, áp dụng chuẩn mực trong phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, bên cạnh phát triển quy mô, công nghệ là nền tảng duy trì và đảm bảo sự an toàn cho hệ thống ngân hàng. Dự án này với lộ trình hoàn thành mục tiêu ngắn như đã đề ra sẽ là một thách thức không nhỏ với TPBank, nhưng khi thành công sẽ tạo ra bước tiến mới trong quản trị rủi ro, gia tăng thêm những giá trị cốt lõi lâu dài.
Basel đề cập đến các hiệp ước giám sát ngân hàng do Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng ban hành với mục tiêu tăng cường sự ổn định tài chính thông qua việc cải thiện chất lượng giám sát ngân hàng trên toàn thế giới. Trong đó, Hiệp ước Basel III đưa ra các yêu cầu trọng tâm về vốn và quản lý thanh khoản. Chuẩn mực càng cao càng đòi hỏi khắt khe về vốn, cùng với việc bắt buộc áp dụng mức đệm dự phòng lớn hơn để giảm rủi ro trong hoạt động. Với phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn (SA) trước đó, các tài sản của ngân hàng được gán các trọng số rủi ro cố định, được quy định cụ thể cho từng nhóm tài sản khác nhau dựa trên mức độ rủi ro tương ứng. Việc này giúp các ngân hàng đảm bảo tỷ lệ thanh khoản, đòn bẩy và đủ vốn dự trữ để thích ứng với các biến động của thị trường đồng thời chống chọi với các cú sốc kinh tế.
“Tuy nhiên, khả năng về việc dự trữ vốn nhiều hơn cần thiết là điểm chưa được tối ưu của phương pháp này do nó ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh lời và lợi nhuận của ngân hàng”, đại diện TPBank chia sẻ.
Trong khi đó, IRB cho phép các ngân hàng sử dụng các mô hình và thực tiễn quản lý rủi ro nội bộ của mình để tự đánh giá các thành phần rủi ro và mức độ rủi ro của danh mục tài sản có để từ đó tính toán yêu cầu vốn chính xác hơn so với tỷ lệ phần trăm trọng số rủi ro đơn giản được quy định bởi SA. Thay vì áp dụng một mức trọng số rủi ro cứng nhắc như phương pháp cũ, việc ước lượng các tham số rủi ro thông qua các mô hình cụ thể giúp cho việc đo lường rủi ro chính xác hơn, phản ánh sát nhất mức độ rủi ro của từng khách hàng/khoản vay và mang lại cơ hội tiết kiệm vốn nếu ngân hàng nắm giữ danh mục tín dụng tốt.
Tháng 11/2021, TPBank công bố hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III, IFRS 9 và đưa vào triển khai toàn diện ngay từ quý IV. Tại thời điểm đó, TPBank là ngân hàng Việt đầu tiên được bên thứ ba là Công ty TNHH KPMG Việt Nam thực hiện rà soát độc lập và công nhận về kết quả này. Năm 2022, khi nhiều ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang áp dụng Basel II, TPBank đã hoàn thành triển khai Basel III, Basel III Reforms theo SA. Đến tháng 5 năm nay, ngân hàng tiếp tục triển khai Dự án Tính vốn theo Basel III dựa trên phương pháp xếp hạng nội bộ (FIRB & AIRB).
Để thực hiện tính toán theo IRB, ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dữ liệu và quản trị mô hình. Dữ liệu sử dụng để xây dựng các mô hình IRB phải đảm bảo đồng thời về tính đầy đủ, tính toàn vẹn và tính hợp lý với độ dài tối thiểu từ 5-7 năm, do đó ngân hàng cần đầu tư nguồn lực để thu thập dữ liệu, xây dựng và quản lý các datamart với khối lượng dữ liệu rất lớn. Đồng thời số lượng lớn các mô hình cần xây dựng, giám sát và kiểm định cũng yêu cầu ngân hàng phải có khung quản trị mô hình mạnh với đội ngũ nhân sự có năng lực chuyên môn cao.
Việc thu thập dữ liệu và xây dựng các mô hình đánh giá tổn thất tín dụng dự kiến theo IFRS-9 trước đây đã được kiểm định bởi bên thứ ba độc lập – Ernst & Young Malaysia – cho thấy các mô hình định lượng trong hệ thống đo lường nội bộ đều có chất lượng tốt, tạo nền tảng thuận lợi để TPBank tiếp tục nghiên cứu, triển khai xây dựng và hiệu chỉnh các mô hình PD, LGD, EAD theo IRB – Basel III. Thêm vào đó, nhà băng này đã đưa vào sử dụng các công nghệ tiên tiến như thuật toán AI, machine learning… nhằm hỗ trợ cho công tác xây dựng và quản trị mô hình.
Theo đại diện ngân hàng, để thực hiện được điều này, nhà băng phải hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn nhằm giải quyết bài toán về chi phí đầu tư lớn, đặc biệt là đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, áp dụng thuật toán nâng cao cũng như các chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo và duy trì nhân sự có chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.
“Định hướng phát triển của TPBank là trở thành một trong những ngân hàng đi đầu trong việc tuân thủ và áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế vào hoạt động thực tế. Chúng tôi có đủ nền tảng từ công nghệ, dữ liệu và nhân sự chất lượng cao để tiếp tục triển khai việc tính vốn theo IRB vào năm nay”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ.
Cũng theo đại diện ngân hàng, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế tiên tiến này đòi hỏi phải bỏ nhiều nỗ lực, chi phí, tự giới hạn các hoạt động của mình theo các yêu cầu khắt khe của các chuẩn mực.
An Nhiên