TP HCM sẽ phát triển từ 1 thành 3 trung tâm cấp cứu, đồng thời mở thêm hai trạm cấp cứu đường thủy, đường hàng không.
Ngày 25/9, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết mở rộng quy mô này nằm trong đề án Nâng cao năng lực Trung tâm cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, đang trình lãnh đạo thành phố phê duyệt. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của ASEAN với hệ thống y tế tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao.
Hiện, TP HCM chỉ có một trung tâm cấp cứu đặt trụ sở tại quận 10 với diện tích nhỏ hẹp, quản lý 40 xe cứu thương và 39 trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại các bệnh viện. Những năm qua, số cuộc gọi cấp cứu ngày càng tăng, việc tiếp nhận cuộc gọi và điều phối lực lượng cấp cứu cải thiện nhiều, song “kết quả chưa như mong đợi”. Khi xảy ra các tình huống khẩn cấp như đợt dịch Covid-19, trung tâm phải di dời tổng đài đến công viên phần mềm Quang Trung để tải khối lượng cuộc gọi trong giai đoạn cao điểm, thành lập thêm 5 trạm dã chiến ở khu vực cửa ngõ.
Theo lãnh đạo y tế TP HCM, khi thành phố phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn theo 3 cụm, gồm cụm 1 là bệnh viện tại các quận trung tâm; cụm 2 là Tân Kiên; cụm 3 là Thủ Đức, thì hệ thống cấp cứu 115 cũng phải phát triển tương ứng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu người bệnh.
Trong đó, Trung tâm Cấp cứu 115 – cụm Tân Kiên là cơ sở chỉ huy, được đầu tư xây mới với hạ tầng khang trang, hiện đại, thiết kế phù hợp với hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện. Nơi này sẽ có khu huấn luyện, đào tạo thực hành cho chuyên viên cấp cứu ngoài viện (paramedic), khu cung ứng vật tư thiết bị, khu bảo hành, bảo trì chuyên dụng cho xe cấp cứu… và nhất là có trung tâm tiếp nhận cuộc gọi, tư vấn cách xử trí tại chỗ cho người dân, điều phối các đội cấp cứu ngoại viện.
Hai trung tâm cấp cứu còn lại tại cụm trung tâm và cụm Thủ Đức sẽ chịu trách nhiệm cấp cứu cho người dân tại khu vực. UBND TP Thủ Đức đã có kế hoạch bổ sung quy hoạch đất cho trung tâm cấp cứu đặt tại cụm này.
Trạm cấp cứu đường thủy sẽ hình thành tại huyện Cần Giờ, với sự phối hợp và hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng TP HCM việc đưa tàu cấp cứu chuyên dụng phục vụ cấp cứu cho người dân xã đảo Thạnh An, người dân sinh sống và làm việc trên vùng biển Cần Giờ và những khu vực lân cận. Trạm cấp cứu đường hàng không trên địa bàn được hỗ trợ bởi Bệnh viện Quân y 175 – nơi sẵn có bãi đáp trực thăng phục vụ cấp cứu đường hàng không đã đi vào hoạt động.
“Hai trạm cấp cứu vệ tinh đường thủy và đường hàng không là một hoạt động không thể thiếu khi muốn chuyển đổi hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp”, ông Thượng cho biết.
Sở cũng đã đặt hàng các trường đào tạo sức khỏe mở mã ngành và sớm triển khai tuyển sinh đào tạo loại hình nhân lực y tế chuyên trách, gọi là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện. Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ triển khai cập nhật kiến thức và kỹ năng cấp cứu ngoài bệnh viện cho các trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại các bệnh viện công lập và tư nhân.
Lê Phương