Báo cáo Bộ GD-ĐT về công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024 – 2025, Sở GD-ĐT TP cho biết năm học 2024 – 2025, toàn ngành GD-ĐT TP tăng 24.097 học sinh, gồm cả công lập và ngoài công lập.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, TP HCM cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các nhiệm vụ năm học.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, một số khó khăn đó là hiện nay trên địa bàn TP HCM vẫn còn có một số đơn vị chưa đảm bảo điều kiện dạy học 2 buổi/ngày (quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn,…); một số trường chưa có đủ các phòng chức năng theo quy định.
Tình trạng thiếu giáo viên chủ yếu tập trung ở các môn tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật do không có nguồn giáo viên dự tuyển.
Hiện nay, trên địa bàn TP, tỉ lệ 1 phòng học/lớp bậc tiểu học chưa đảm bảo; tỉ lệ 2 buổi/ngày chưa đạt 100%, một số trường tiểu học còn thiếu các phòng chức năng. Một số trường sĩ số học sinh còn quá đông, ảnh hưởng đến chất lượng học tập; một số cơ sở giáo dục vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên nhiều môn, bộ môn nên phải hợp đồng, thỉnh giảng để bảo đảm đủ giáo viên giảng dạy các lớp.
Ngoài ra, ngành GD-ĐT TP HCM còn gặp khó khăn trong việc phát triển đội ngũ giáo viên các môn tin học, công nghệ và nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); đầu tư trong phát triển hệ thống trường, lớp tại một số quận, huyện nhất là các quận, huyện có dân số đông hiện nay đang gặp khó khăn.
Đặc biệt, việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa gặp khó khăn về phương án bố trí thời gian thực hiện đảm bảo sự đồng thuận của các đối tượng học sinh tham gia với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường. Giáo viên tại các cơ sở giáo dục chưa được đào tạo chuyên sâu, ít kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống nên đa số các cơ sở giáo dục phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện.
Việc có thêm các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa góp phần giáo dục toàn diện học sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động này là hoạt động tự nguyện có sự tham gia đóng góp của người học nên còn những quan điểm khác nhau khi triển khai hoạt động này.
Một số cơ sở giáo dục chưa cung cấp đầy đủ thông tin của các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho cha mẹ học sinh đã gây ra một số nhầm lẫn, ngộ nhận là hoạt động giáo dục bắt buộc. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục trong việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành, thực tế,… cho học sinh.
Trước những khó khăn trên, Sở GD-ĐT TP HCM đã kiến nghị Bộ GD-ĐT nhiều nội dung.
Thứ nhất, cần có hướng dẫn thống nhất về việc xác định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong nhà trường và thẩm quyền ban hành mức thu đối với các dịch vụ giáo dục khác ngoài học phí không phải là dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục để các địa phương có cơ sở thực hiện.
Thứ hai, chỉ đạo giao việc xây dựng, lựa chọn chương trình nhà trường cho hội đồng trường, vì đây là hình thức thu hộ, chi hộ, không phải là khoản kinh phí chi từ ngân sách.
Chỉ đạo cụ thể việc tổ chức dạy học chương trình nhà trường bên cạnh việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 sao cho linh hoạt, giao quyền và trách nhiệm cho hiệu trưởng và hội đồng trường.
Thứ ba, ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, hướng dẫn về công tác quản lý dạy thêm học thêm được điều chỉnh theo định hướng mới của Chương trình GDPT 2018, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho TP HCM thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án theo định hướng giáo dục thông minh, chuyển đổi số và đạt chuẩn quốc tế ở một số nội dung, lĩnh vực GD-ĐT…
Giải pháp của TP HCM
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở này sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn TP HCM hoàn thiện “Đề án thu hút giáo viên các môn tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật”
Phối hợp với sở, ban, ngành và UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai các giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 4500 phòng học hướng tới mục tiêu đạt 300 phòng học/vạn dân, chào mừng kỷ niệm 50 thống nhất đất nước.
Tăng tỉ lệ học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh tại lớp, tăng chất lượng dạy và học. Tổ chức các lớp bồi dưỡng về tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho giáo viên.
Khi triển khai các chương trình giáo dục của nhà trường, các cơ sở giáo dục cần có sự phối hợp, đồng thuận và giám sát từ phụ huynh học sinh, đảm bảo chủ trương xã hội hóa giáo dục được thực hiện chặt chẽ và đúng theo quy định của pháp luật.
Nguồn: https://nld.com.vn/tp-hcm-kien-nghi-duoc-giao-quyen-to-chuc-chuong-trinh-nha-truong-19624101411112399.htm