Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14.2. Các trường đang tìm cách minh bạch hóa vấn đề này, đồng thời tổ chức dạy học phù hợp thực tế, tránh tình trạng dạy thêm trá hình trong nhà trường.
QUY ĐỊNH CHỒNG CHÉO
Ghi nhận tại TP.HCM cho thấy hiện nay, nhiều trường THCS, THPT chủ yếu ở khu vực trung tâm tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được phép thu tiền và mức thu được HĐND TP.HCM quy định theo nghị quyết của từng năm học. Chính vì vậy, khi rà soát việc dạy học 2 buổi/ngày, đối chiếu với Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm, lãnh đạo các trường nhận xét có những nội dung chồng chéo nhau.
Hầu hết trường phổ thông tại các thành phố lớn đều thực hiện dạy học buổi 2 từ nhiều năm nay
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Để thực hiện theo đúng thông tư thì các trường chuyển hết sang dạy 1 buổi/ngày. Còn nếu tổ chức dạy 2 buổi/ngày như trước nay (được phép thu tiền) thì phải xây dựng lại kế hoạch tổ chức hoạt động trong nhà trường với điều kiện phụ huynh đồng thuận đăng ký cho con em tham gia tự nguyện.
Ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Hiệu phó Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), cho hay: "Quy định chưa phù hợp với thực tế ở đô thị. Theo đó, tại những khu vực này, nhu cầu cho con em học 2 buổi/ngày và bán trú là cực lớn trong khi chương trình giáo dục của bậc trung học không bắt buộc dạy 2 buổi/ngày. Cho nên nếu ngừng không tổ chức dạy 2 buổi thì áp lực rất lớn với phụ huynh học sinh (HS) khi con em học một buổi rồi về nhà. Còn nếu tổ chức thì nhà trường không có ngân sách trả cho giáo viên (GV)".
Từ năm 2010 đến nay, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày vẫn được các trường áp dụng theo Công văn 7291 của Bộ GD-ĐT, được thu phí. Đến nay chưa có bất cứ văn bản nào thông báo công văn này hết hiệu lực.
Theo Công văn 7291, hình thức tổ chức dạy học 2 buổi/ngày gồm các hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng, cụ thể như sau: Tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhóm năng khiếu, sở thích, mỗi nhóm có thể bao gồm HS từ các lớp khác nhau; phụ đạo, củng cố và ôn tập kiến thức trên cơ sở nắm chắc chất lượng HS, GV chủ nhiệm phối hợp với GV bộ môn lập danh sách HS theo nhóm học lực yếu kém hoặc HS giỏi của từng môn học, báo cáo hiệu trưởng để tổng hợp tổ chức lớp, phân công GV phụ đạo HS yếu kém hoặc bồi dưỡng HS giỏi; dạy học tự chọn căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, tổ chức HS có cùng nguyện vọng, nhu cầu học tập các môn tự chọn phù hợp với điều kiện thực tế của trường thành các lớp học tự chọn. HS lớp tự chọn có cùng nguyện vọng học ngoại ngữ 2, giáo dục nghề phổ thông, tin học có thể cùng hoặc không cùng khối, lớp. HS các bộ môn nghệ thuật, năng khiếu tổ chức thành lớp, nhóm học tập.
Trong khi đó, khoản 1, điều 5 Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của HS và chỉ dành cho các đối tượng HS đăng ký học thêm theo từng môn như sau: HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi; HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Đối chiếu với Thông tư 29 thì từ ngày 14.2 các nhà trường không được thu tiền khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với những HS diện phụ đạo, củng cố và ôn tập kiến thức theo Công văn 7291.
RÀ SOÁT DẠY HỌC 2 BUỔI/NGÀY ĐỂ KHÔNG DẠY THÊM TRÁ HÌNH
Từ những rà soát và đối chiếu nêu trên, hiệu trưởng các trường cho hay để tổ chức học 2 buổi/ngày đúng pháp luật, trường chỉ thu tiền trong các trường hợp sau: Tổ chức các hoạt động theo nhóm năng khiếu, sở thích; dạy học tự chọn với HS có cùng nguyện vọng học ngoại ngữ 2, giáo dục nghề phổ thông, tin học; HS các bộ môn nghệ thuật, năng khiếu để tổ chức thành lớp, nhóm học tập.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay trước khi Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT ban hành TP.HCM đã triển khai không dạy thêm trong trường, do vậy thông tư không ảnh hưởng đến việc dạy và học trong nhà trường. Tuy nhiên, ông lưu ý các trường cần rà soát việc dạy học 2 buổi/ngày, đối chiếu với Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm, để không bị bắt lỗi dạy thêm trá hình trong nhà trường.
Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14.2
GIẢI PHÁP TỔ CHỨC HỌC 2 BUỔI/NGÀY
Trước thực tế nói trên, lãnh đạo các trường đề xuất giải pháp để thực hiện Thông tư 29 đúng quy định là rà soát kế hoạch giảng dạy, tách biệt các hoạt động dạy và học thêm với chương trình chính khóa. Tổ chức hoạt động dạy và học thêm theo hướng phát triển năng lực, kỹ năng cho HS thay vì chỉ củng cố, bổ sung kiến thức. Ngoài ra, sẽ lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh và HS về các hoạt động dạy học thêm. Để thực hiện, các trường cần có văn bản hướng dẫn cụ thể từ các cấp quản lý để triển khai thực hiện.
Tại Trường THCS Trần Văn Ơn, ông Phúc Khánh cho biết để duy trì hoạt động dạy 2 buổi/ngày và thu tiền đúng quy định thì chắc chắn trường không thể tổ chức dạy củng cố kiến thức các môn như trước đây và nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh HS để xin ý kiến. Những phụ huynh HS không đăng ký tham gia hoạt động 2 buổi/ngày thì có thể chuyển qua lớp 1 buổi/ngày.
Trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh, Hiệu phó Trường THCS Trần Văn Ơn cho biết sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức buổi 2 trong đó không dạy trước chương trình, không ôn tập, củng cố kiến thức mà phải hướng đến phát triển tư duy, năng lực của HS. Ông Khánh cũng cho biết đang nghĩ đến việc tổ chức dạy học tự chọn theo hướng phát huy năng khiếu theo quy định của Bộ như các lớp phát triển tư duy toán thực tiễn, phát triển văn hóa đọc hay năng lực thực nghiệm khoa học tự nhiên…
Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), chia sẻ khi chưa có văn bản thay thế thì nhà trường vẫn thực hiện theo văn bản quy định việc dạy 2 buổi hiện hành trên cơ sở đối chiếu với thông tư mới để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Đồng thời ông Phú chỉ ra rằng nhờ có buổi 2 mà hoạt động giáo dục trong nhà trường có sự phong phú, HS có sự trải nghiệm, hình thành nhiều kỹ năng giúp HS thân thiện, tích cực và năng động. Thêm vào đó, việc tổ chức buổi 2 sẽ phần nào hạn chế việc HS tiếp xúc với xã hội mà không có sự quản lý của gia đình, dễ dẫn đến tụ tập không lành mạnh.
Đề cập việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày trong bối cảnh thực hiện Thông tư 29, tại buổi họp sơ kết học kỳ 1 bậc trung học diễn ra cuối tháng 1 vừa qua, ông Trần Ngọc Huy, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý trường học cần triển khai chương trình buổi 2 trên tinh thần tự nguyện đăng ký của HS, không đổ đồng, ép buộc HS tham gia tiết học bổ sung kiến thức của môn học khi các em đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt của chương trình.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng nhìn nhận việc dạy thêm trong nhà trường hiện nay đang vướng ở hoạt động ôn tập cho HS cuối cấp (lớp 9 và 12). Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, hoạt động này phải tổ chức trên cơ sở tự nguyện đăng ký của người học và không được thu tiền HS. Câu hỏi được đặt ra là nếu không thu tiền người học, trường học sẽ sử dụng nguồn thu nào để hỗ trợ GV tham gia ôn tập cho HS?
Đảm bảo không xảy ra tình trạng dạy thêm trái quy định
Ngày 7.2, UBND TP.HCM triển khai công văn đến Sở GD-ĐT TP.HCM và UBND TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện về việc thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, giao Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Trước băn khoăn của các trường về quy định dạy thêm, học thêm, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng việc cán bộ quản lý, GV có tâm tư trước quy định mới là khó tránh khỏi, song cần hiểu để thực hiện đúng quy định. Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện cần tuyên truyền, lồng ghép các chỉ đạo về dạy thêm, học thêm để các cơ sở giáo dục triển khai theo đúng tinh thần của Thông tư 29, đảm bảo không xảy ra tình trạng dạy thêm trái quy định.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-2-buoi-co-vi-pham-quy-dinh-day-them-hoc-them-185250207214301312.htm
Bình luận (0)