Từ 1/4, thông báo tiền điện với các hộ dân ở TP HCM sẽ chỉ được gửi qua ứng dụng EVNHCMC CSKH thay vì cách truyền thống.
Theo Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), hộ gia đình sau khi tải ứng dụng về (trên App Store của iOS hoặc CH Play của Android), có thể dùng số điện thoại để tạo tài khoản sử dụng và nhập mã PE gồm 13 ký tự để kiểm tra thông tin tiền điện. Được phát triển từ năm 2015, ứng dụng này còn có thể báo chỉ số điện mỗi ngày, lịch cắt điện và các dịch vụ khác.
Điện lực TP HCM là đơn vị đầu tiên bỏ hẳn các kênh thông báo truyền thống. Trước đây, thông báo tiền điện được gửi theo hoá đơn giấy về tận nhà, tin nhắn SMS về điện thoại. Vài năm gần đây, điện lực các địa phương gửi thông báo qua kênh Zalo hoặc App (nếu khách hàng sử dụng) thay vì tin nhắn SMS để giảm chi phí. Tại Hà Nội, EVNHN vẫn gửi đồng thời thông báo qua kênh Zalo.
Tất cả khách hàng tại TP HCM đều ghi chỉ số vào cuối tháng nên theo EVNHCMC, việc thanh toán tiền điện được thực hiện vào đầu tháng, từ ngày 2 đến 5 hàng tháng.
Tại họp báo hôm 28/3, Phó tổng giám đốc EVNHCMC dự báo hóa đơn điện tháng 3 của khách hàng có thể nhiều hơn tương đối so với các tháng trước do nhu cầu cao khi bắt đầu vào mùa khô cùng hiện tượng El Nino.
Cả tháng 3, TP HCM tiêu thụ hơn 2,43 tỷ kWh điện, tăng khoảng 1,17% so với cùng kỳ 2023. Ngày tiêu thụ cao nhất là hôm 27/3 với mức 94,5 triệu kWh, phá kỷ lục năm ngoái ở mức 90,4 triệu kWh. Do điều kiện thời tiết hiện tại EVNHCMC dự báo có kỷ lục mới hai tháng tới, với trên 95 triệu kWh mỗi ngày.
Hệ thống điện thành phố hiện có độ dự phòng về công suất 40-60% tùy theo cấp điện áp, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu dùng điện theo tất cả kịch bản tăng trưởng tiêu thụ, theo EVNHCMC. Tuy nhiên, không loại trừ xảy ra quá tải cục bộ, phạm vi nhỏ do nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong cùng một thời điểm. Do vậy, Điện lực TP HCM khuyến cáo người dân và doanh nghiệp tăng cường thực hiện các giải pháp tiết kiệm để hạn chế tình trạng này.
Dỹ Tùng