Nhu cầu mở rộng về sản phẩm và dịch vụ đòi hỏi nhiều công ty công nghệ phải tăng cường tuyển dụng nhân sự vào các mảng khác nhau. Đây là tin vui cho những ai mong muốn được làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng không có chuyên môn cao về code hay lập trình.
Dưới đây là 5 vị trí việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin dành cho những người không có kỹ năng code, đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Chuyên viên phân tích dữ liệu (Data Analyst)
Trong thời đại công nghệ số, việc phân tích dữ liệu là yếu tố then chốt đối với mọi tổ chức. Vì thế vị trí chuyên viên phân tích dữ liệu đang được nhiều bạn trẻ không có kỹ năng code “săn đón” suốt thời gian qua.
Chuyên viên phân tích dữ liệu sẽ chịu trách nhiệm thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu để trích xuất thông tin hữu ích và đưa ra quyết định thông qua việc tận dụng dữ liệu. Những thông tin này sẽ là nguồn tài nguyên quý báu phục vụ hoạt động kinh doanh.
Một số công cụ phân tích dữ liệu phổ biến có thể kể đến: Python, R, Excel, Power BI (Business Intelligence)… hỗ trợ Data Analyst trong việc tóm tắt dữ liệu, đánh giá xu hướng, tạo biểu đồ.
Chuyên viên kiểm thử (Tester)
Chuyên viên kiểm thử là người chịu trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo chất lượng của các phần mềm, ứng dụng trước khi sản phẩm chính thức ra mắt. Công việc của Tester bao gồm tìm kiếm lỗi, xác định vấn đề trong sản phẩm, đảm bảo ứng dụng hoạt động đúng và tương thích với yêu cầu đặt ra.
Đây cũng là vị trí việc làm phù hợp với nữ giới, bởi công việc này yêu cầu trách nhiệm cùng sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ để tìm ra lỗi. Theo thống kê, chỉ riêng trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm, số lượng nhân sự là nữ chiếm trên 75%.
Tuy không yêu cầu quá khắt khe về kiến thức lập trình, nhưng nếu bạn có một vài hiểu biết cơ bản về code cũng như cơ chế hoạt động của phần mềm thì đây sẽ là lợi thế lớn khi làm việc tại vị trí chuyên viên kiểm thử.
Quản lý dự án (Project Manager)
Quản lý dự án là một trong những vị trí phổ biến ở lĩnh vực công nghệ thông tin không cần đến kỹ năng lập trình. Công việc này cũng giống như quản lý sản phẩm nhưng ở quy mô nhỏ hơn.
Các nhà quản lý dự án chịu trách nhiệm giám sát dự án lớn nhỏ, từ khâu lên kế hoạch, giai đoạn tiến hành, dự đoán và lường trước các công việc cho đến từng chi tiết nhỏ.
Project Manager thường phải phối hợp nhịp nhàng với các thành viên liên quan trong dự án, để đảm bảo dự án diễn ra đúng tiến độ, hiệu quả trong tầm ngân sách.
Thiết kế giao diện người dùng (UI/UX Designer)
Thiết kế giao diện người dùng là công việc phù hợp với những người có sự sáng tạo và khả năng thẩm mỹ cao để tạo ra giao diện bắt mắt, thân thiện với người dùng. Công việc này thường không yêu cầu kỹ năng lập trình sâu hay chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, bạn cần phải thường xuyên phải giao tiếp với các nhà phát triển phần mềm. Cho nên, nếu có chút kiến thức cơ bản về code, bạn sẽ giúp khách hàng hiểu nhanh hơn về tính khả thi của thiết kế, điều chỉnh chi tiết nếu cần.
Ngoài ra, một UI/UX Designer cũng cần đặt mình vào người dùng phục vụ mục đích tối ưu hóa trải nghiệm, đảm bảo giao diện thiết kế thực sự phản ánh nhu cầu và bắt được “insight” người dùng trong quá trình sử dụng phần mềm.
Quản trị hệ thống (System Administrator)
Quản trị hệ thống (System Administrator) là vị trí quan trọng trong việc duy trì, quản lý và bảo vệ hệ thống máy tính, mạng, phần mềm của tổ chức. Trách nhiệm của System Admin là đảm bảo mọi hoạt động kỹ thuật của công ty diễn ra suôn sẻ, an toàn, hiệu quả.
Người làm công việc quản trị hệ thống sẽ phải thực hiện các công việc sau đây: Cài đặt/cấu hình hệ thống; Duy trì/cập nhật phần mềm – phần cứng; Bảo mật hệ thống; Giám sát hoạt động; Sao lưu/phục hồi dữ liệu; Quản lý tài nguyên; Hỗ trợ người dùng.