Tổng thống Biden lên đường đến châu Âu ngày 9.7 (giờ địa phương), bắt đầu chuyến đi kéo dài 5 ngày với 3 điểm dừng chân, bao gồm Anh, Lithuania (Litva) và Phần Lan. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, chuyến công du lần này sẽ “thể hiện vai trò lãnh đạo của tổng thống (Mỹ) trên sân khấu thế giới”, AP đưa tin.
Củng cố đồng minh
Theo Reuters, ông Biden có mặt tại thủ đô London của Anh vào đêm 9.7 và sẽ gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng như vua Charles III vào ngày 10.7. Nhà Trắng cho biết chuyến thăm của tổng thống Mỹ, diễn ra chỉ một tháng sau khi ông Sunak đến Nhà Trắng, nhằm “tiếp tục củng cố quan hệ thân thiết giữa hai quốc gia”.
Theo người phát ngôn của thủ tướng Anh, ông Biden và ông Sunak có kế hoạch thảo luận về chiến sự ở Ukraine cũng như hội nghị thượng đỉnh của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ở Lithuania mà cả hai sẽ tham dự sau đó. Đây là cuộc gặp thứ 6 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Sunak trở thành thủ tướng Anh hồi tháng 10.2022, theo AP.
Ông Biden cũng sẽ đến gặp vua Charles III tại lâu đài Windsor ở phía tây London, nơi cố nữ hoàng Elizabeth II từng tiếp đón hai cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump. Hai bên dự kiến thảo luận về biến đổi khí hậu, chủ đề mà vua Charles III đã vận động và lên tiếng trong hơn 5 thập niên. Ông Biden đã không tham dự lễ đăng quang của nhà vua Anh hồi tháng 5, nên đây là lần đầu tiên hai người gặp mặt kể từ sự kiện đó.
Bất đồng trong NATO
Trọng tâm chuyến đi châu Âu của ông Biden là hội nghị các nhà lãnh đạo NATO tại Vilnius, thủ đô Lithuania, trong hai ngày 11 – 12.7. NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, đã được tiếp thêm sức sống mới kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, đồng thời cũng phải đối mặt với những bất đồng nội bộ liên quan việc kết nạp thành viên cũng như hỗ trợ Kyiv.
Hội nghị ở Vilnius diễn ra trong bối cảnh ông Biden vừa mới công bố kế hoạch gửi cho Ukraine bom chùm, loại vũ khí mà hơn 2/3 số thành viên NATO đã cấm vì khả năng gây thương vong cho dân thường, theo AP. Tại hội nghị, tổng thống Mỹ có khả năng sẽ phải đối mặt với sự chất vấn của các đồng minh liên quan đến quyết định này.
Khả năng của ông Biden trong việc đoàn kết các thành viên NATO cũng sẽ được thử thách, giữa lúc nỗ lực gia nhập liên minh của Thụy Điển vẫn đang gặp trở ngại vì sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. NATO cũng đang bất đồng về việc mời Ukraine gia nhập. Trong khi Lithuania và các nước ở sườn phía đông NATO muốn đẩy nhanh việc này, Mỹ, Đức và một số nước khác ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn vì lo sợ viễn cảnh NATO bị đẩy vào xung đột trực tiếp với Nga.
Sau Vilnius, ông Biden sẽ đến thủ đô Helsinki của Phần Lan, quốc gia vừa trở thành thành viên mới nhất của NATO hồi tháng 4. Phần Lan và Thụy Điển đã cùng đệ đơn gia nhập NATO vào năm ngoái, từ bỏ vị thế trung lập lâu năm vì những lo ngại về an ninh sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine. Tại Helsinki ngày 13.7, ông Biden dự kiến gặp các nhà lãnh đạo Bắc Âu khác, bao gồm Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Iceland.