“Không quân Ukraine đã phá hủy máy bay phát hiện radar tầm xa A-50 và máy bay chỉ huy đường không IL-22 của đối phương. Tôi xin cảm ơn lực lượng không quân vì chiến dịch hoàn hảo từ khâu lên kế hoạch tới thực thi”, tướng Zaluzhny viết ngày 15/1 trên Telegram.
Bài đăng của ông Zaluzhny cũng đính kèm video đường đi của 2 chiếc máy bay trên radar.
Cùng ngày, khi được yêu cầu bình luận về tin 2 máy bay Nga bị bắn hạ, Điện Kremlin cho biết họ “không có thông tin”.
“Đây là vấn đề liên quan tới việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói và đề nghị phóng viên đặt câu hỏi với Bộ Quốc phòng Nga.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa đưa ra bình luận.
Trước đó, RBC-Ukraine dẫn nguồn tin ẩn danh trong quân đội cho biết, 2 chiếc máy bay bị tấn công vào khoảng 21h ngày 14/1 (giờ địa phương). Chiếc A-50 được cho là biến mất khỏi radar khi bay qua bờ phía bắc của Biển Azov.
Chiếc Il-22M11 trúng đạn ở bờ phía đông, gần bán đảo Crimea mà Nga tuyên bố sáp nhập từ năm 2014. Theo RBC-Ukraine, chiếc Il-22M11 đã yêu cầu hạ cánh khẩn cấp ở thành phố Anapa ở miền nam Nga.
Với giá trị 330-500 triệu USD tùy phiên bản, A-50 là máy bay cảnh báo sớm trên không, có năng lực chỉ huy và kiểm soát, cũng như khả năng theo dõi tới 60 mục tiêu cùng một lúc.
Một số blogger quân sự Nga cho rằng, việc A-50 bị bắn rơi sẽ là tổn thất to lớn vì số lượng máy bay dòng này hiện còn hoạt động là rất hạn chế.
“Đây sẽ là một ngày đen tối nữa đối với Lực lượng Hàng không Vũ trụ và Phòng không Nga”, Rybar, blogger có gần 1,2 triệu người theo dõi, viết. “A-50 không có nhiều. Chuyên viên vận hành chúng nói chung cũng rất hiếm. Nếu mẫu máy bay này bị bắn trúng, phi hành đoàn sẽ không thể thoát hiểm”.
Theo Kyiv Post, Nga chỉ sở hữu 9 chiếc A-50. Mẫu máy bay này thường giữ khoảng cách với các hệ thống phòng không Ukraine nên việc Ukraine bắn hạ một chiếc A-50 sẽ đặc biệt đáng chú ý nếu là thật.
Nhiều giả thuyết
Hiện Kiev chưa tiết lộ hệ thống vũ khí được sử dụng trong sự việc, nhưng có suy đoán cho rằng Không quân Ukraine có thể đã dùng hệ thống tên lửa phòng không Patriot do phương Tây viện trợ.
Sau khi thông tin được lan truyền, nhiều người đặt câu hỏi tại sao phòng không Ukraine có thể tấn công các mục tiêu nằm ngoài tầm bắn thông thường.
Một giả thuyết khác là phi công Ukraine thực hiện đòn tấn công bí mật bằng tên lửa không đối không rồi nhanh chóng quay trở lại phạm vi an toàn.
Theo Kyiv Post, do các nguồn tin nói rằng chiếc A-50 bị bắn trúng “ngay sau khi cất cánh”, có khả năng du kích hoặc lính đặc nhiệm Ukraine đã áp sát đủ gần để có thể sử dụng hệ thống phòng không vác vai hoặc loại vũ khí khác.