Tương tự như vậy, Hưng Yên có thể được tính toán ghép với tỉnh có biển liền kề. Đây cũng là điều kiện để địa phương này có không gian biển, đồng thời tạo nên sự kết nối và khai thác không gian biển hiệu quả cho đơn vị hành chính mới.
Thế còn một ví dụ nữa, trước đây chúng ta có tỉnh Hà Nam Ninh. Cho đến lúc này chúng ta vẫn thấy nếu ba tỉnh tách ra từ tỉnh này ghép lại với nhau vẫn hợp lý bởi đây là tỉnh có không gian biển.
Như thế, việc sáp nhập hiện nay cần căn cứ trên những điều kiện thực tiễn gắn với những tiêu chí, nguyên tắc đã đặt ra, trong đó chú trọng đến việc mở ra không gian phát triển.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đất nước đang có cơ hội vàng để thực hiện việc sáp nhập tỉnh sau khi đã hoàn thiện bộ máy ở Trung ương. Cũng theo ông Chính, sáp nhập tỉnh là việc rất lớn, phải làm hết sức khoa học và thận trọng...
Thưa ông, nhiều chuyên gia nhìn nhận, chúng ta đang có nhiều tỉnh ít dân, ít đất, khó phát triển, đồng thời ít nhiều có sự cạnh tranh không đáng có và việc sáp nhập là phù hợp với xu hướng phát triển. Thực tế, chúng ta cũng đã trải qua những lần nhập - tách trong những năm qua và lần sáp nhập này, được biết chúng ta có cả phương án tái lập những không gian trước đây, đồng thời cũng có những phương án mở ra không gian phát triển hoàn toàn mới. Ông có thể nói gì về điều này?
- Điều đó là phù hợp trong bối cảnh KT-XH hiện nay của đất nước. Tôi ví dụ như Hải Dương, Hưng Yên, trước kia tách ra từ tỉnh Hải Hưng. Hai tỉnh trên có diện tích nhỏ, đều phát triển công nghiệp lại là những tỉnh nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh nào cũng làm công nghiệp, cũng logistic, cũng phát triển đô thị...
Vấn đề thứ hai, hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên đều gần Hà Nội. Hai tỉnh này nếu ghép lại cũng tạo ra không gian lớn hơn, nhưng ghép như thế chưa tạo được không gian phát triển kinh tế độc lập, tự chủ bởi vì không có biển.
Hải Dương là một tỉnh công nghiệp cần ghép với tỉnh có biển để tạo nên một không gian phát triển hoàn thiện. Khi đó, điều kiện phát triển của hai tỉnh hoàn thiện hơn.
Tương tự như vậy, Hưng Yên có thể được tính toán ghép với tỉnh có biển liền kề. Đây cũng là điều kiện để địa phương này có không gian biển, đồng thời tạo nên sự kết nối và khai thác không gian biển hiệu quả cho đơn vị hành chính mới.
Thế còn một ví dụ nữa, trước đây chúng ta có tỉnh Hà Nam Ninh. Cho đến lúc này chúng ta vẫn thấy nếu ba tỉnh tách ra từ tỉnh này ghép lại với nhau vẫn hợp lý bởi đây là tỉnh có không gian biển.
Như thế, việc sáp nhập hiện nay cần căn cứ trên những điều kiện thực tiễn gắn với những tiêu chí, nguyên tắc đã đặt ra, trong đó chú trọng đến việc mở ra không gian phát triển.
Điểm đáng chú ý trong phương án sáp nhập lần này là việc có thể sáp nhập một tỉnh vùng Tây Nguyên với một tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Điều này dường như khác với tư duy vùng kinh tế - xã hội bấy lâu nay, nhưng nếu thực hiện sẽ mang tới một không gian phát triển hoàn toàn mới, thưa ông?
- Tôi nói thế này, tỉnh Kon Tum của Tây Nguyên có thể nhập vào tỉnh ven biển liền kề thuộc Duyên hải Nam Trung Bộ, rồi Gia Lai, Đắc Lắk, Lâm Đồng cũng tương tự như vậy.
Ở đây có sự thay đổi tư duy rất mạnh về không gian kinh tế. Tôi nghĩ điều này là đúng, bởi một tỉnh ở Tây Nguyên với tiềm năng và lợi thế về đất đai, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên thì cần thiết phải có không gian biển để phát huy lợi thế của mình.
Như vậy, không gian phát triển kinh tế không chỉ theo chiều dọc mà còn theo chiều ngang một cách hoàn chỉnh.
Nhưng điều này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao không, thưa ông?
- Tôi muốn nói có sự đột phá trong tư tưởng của các chuyên gia và tư tưởng của người làm công tác hành chính về địa giới hành chính. Nếu chúng ta chỉ tư duy theo vùng lãnh thổ, có nghĩa là lấy tỉnh Tây Nguyên này sáp nhập với một tỉnh Tây Nguyên khác thì rõ ràng sẽ thiếu đi một không gian kinh tế biển quan trọng, cần thiết cho sự phát triển toàn diện và hiệu quả.
Nhưng tư duy ở đây là phải có kinh tế phát triển. Sau khi sáp nhập, giao thông phải phát triển để đưa hàng hóa từ miền núi xuống ven biển gần hơn, nhanh hơn và ngược lại cũng như vậy.
Việc sáp nhập không chỉ tạo ra dư địa phát triển kinh tế mà còn tăng cường khả năng cho an ninh và quốc phòng.
Trong lần sáp nhập này, có những tỉnh cũng sẽ không sáp nhập với tỉnh nào. Ông có thể nói gì về không gian phát triển của những tỉnh không sáp nhập này hiện nay?
- Tôi ví dụ thế này, Quảng Ninh không sáp nhập với tỉnh nào cả. Đây là tỉnh có biên giới với Trung Quốc, cũng là tỉnh có biển và đã phát triển rất tốt. Trong những năm qua, tỉnh này đô thị hóa rất nhanh, hiện có 5 thành phố.
Tỉnh Đông Bắc này đang là một trong những tỉnh phát triển nhất ở miền Bắc vì có cảng, có du lịch, có kỳ quan thiên nhiên thế giới. Giả sử, nếu đặt vấn đề sáp nhập với tỉnh gần kề thì cũng thấy không cần thiết.
Về tỉnh Lạng Sơn, một tỉnh có hệ thống giao thông quốc gia kết nối với nước bạn Trung Quốc. Địa phương này cũng được nhìn nhận, tính toán là đủ điều kiện phát triển, bởi đây là tỉnh có nhiều khu kinh tế cửa khẩu. Điều này bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng một cách bền vững.
Hơn nữa, Lạng Sơn cũng là địa danh đi vào lịch sử của chúng ta và cũng là điểm đầu kết nối đường bộ, đường sắt quốc tế qua cửa khẩu Hữu Nghị quan.
Với Cao Bằng, tỉnh này cũng đủ điều kiện phát triển khi có nhiều khu kinh tế cửa khẩu, rồi đất đai, khoáng sản thuận lợi. Cao Bằng cũng là "cái nôi" của Cách mạng, là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Ông hình dung chúng ta sẽ có một bản đồ, một bức tranh tổng thể của đất nước sau khi hợp nhất như thế nào, không gian phát triển sẽ ra sao?
- Theo thông tin đại chúng gần nhất tôi có được, tôi nghĩ chúng ta sẽ có một bức tranh về không gian hành chính khá đổi mới và đặc biệt. Tôi nghĩ, bức tranh này sẽ tạo ra được không gian phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nội dung: Cấn Cường, Thế Hưng
Ảnh: Nguyễn Hà Nam, Nguyễn Dương, Thúy Diễm
Thiết kế: Đức Bình
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/noi-vu/vi-sao-mot-so-tinh-khong-sap-nhap-voi-tinh-khac-20250328121326593.htm
Bình luận (0)