Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã công bố giảm lãi suất huy động xuống mức thấp nhất kể từ hồi đại dịch.
Cụ thể, ở kỳ hạn 1- 2 tháng, BIDV duy trì lãi suất huy động ở mức 3%/năm. Với kỳ hạn từ 3 – 5 tháng, ngân hàng này chính thức giảm 0,2 điểm % xuống còn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn 3,3%/năm, ngang với mức giảm của Vietcombank trước đó.
Với kỳ hạn từ 6 – 9 tháng, lãi suất tiết kiệm tại quầy được hạ xuống còn 4,3%/năm, giảm 0,2 điểm % so với biểu lãi suất cũ.
Trong khi đó, các kỳ hạn dài từ 12 – 36 tháng cũng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm % xuống còn 5,3%/năm.
Với VietinBank, tiền gửi kỳ hạn từ 1-2 tháng cũng được giữ nguyên mức lãi suất 3%/năm. Tuy nhiên, kỳ hạn 3 – 5 tháng vừa được giảm 0,1 điểm % xuống 3,3%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 – 9 tháng giảm nhẹ 0,1 điểm % xuống còn 4,6%/năm. Mức giảm mạnh nhất diễn ra đối với kỳ hạn tiền gửi từ 12 – 36 tháng, giảm 0,2 điểm % xuống mức 5,3%/năm.
Theo biểu lãi suất huy động mới nhất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ngân hàng này điều chỉnh giảm 0,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên ở mức 0,1% và 0,2%; các kỳ hạn từ 1 – 2 tháng vẫn được hưởng lãi suất 3%/năm.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn từ 3 – 5 tháng giảm từ 3,5% xuống 3,3%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng giảm từ 4,5% xuống 4,3%/năm.
Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang được Agribank áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 5,3%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước.
Trước đó, Vietcombank đã đón đầu xu hướng giảm lãi suất huy động với mức giảm hầu hết 0,2 điểm % đối với các kỳ hạn, và chỉ giữ nguyên lãi suất đối với kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Như vậy, 4 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19. Cụ thể, nhóm Big 4 đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.
Hiện lãi suất của cả 4 ngân hàng này khá tương đương nhau, chỉ có một số khác biệt ở hình thức tiết kiệm online và gửi tại quầy nhưng không đáng kể.
Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng ngành ngân hàng sẽ vẫn phải đối diện với những khó khăn trong ngắn hạn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bảo hiểm khiến nguồn thu từ dịch vụ ngân hàng đầu tư và bảo hiểm cần thêm thời gian chờ đợi thị trường hồi phục. Dù vậy vẫn sẽ có những điểm sáng về triển vọng ngành trong nửa cuối năm 2023.
Theo KBSV, tăng trưởng tín dụng khó hoàn thành mục tiêu 14% nhưng sẽ vẫn về đích ở mức 10-12% dựa trên kỳ vọng về tiêu dùng của phân khúc khách hàng cá nhân cuối năm hồi phục; Nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề tích cực hơn nhờ hoạt động xuất nhập khẩu; Lĩnh vực BĐS dần được tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, dù sẽ cần thêm thời gian để thị trường khai thông trở lại.
Trong khi đó, lãi suất cho vay cũng đã giảm tương đối so với đầu năm sau chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp của Chính Phủ. KBSV cho rằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn và có độ trễ so với lãi suất huy động do lãi suất cho vay thường tái định sau 3-6 tháng.