Huỳnh Tiên tìm đến chạy để cải thiện vóc dáng sau khi chuyển giới từ nam sang nữ và nhận ra môn thể thao này còn giúp cô sống tích cực hơn mỗi ngày.
Những người yêu chạy bộ ở Hà Nội không còn xa lạ với Nguyễn Đặng Huỳnh Tiên (21 tuổi, tên thật là Nguyễn Thành Long). Từ 4h30 mỗi sáng thứ 7 tại hồ Gươm, luôn có một cô gái với dáng người cao gầy trên 1m7, miệt mài chạy trong nhóm những người nhanh nhất. Sức sống như tràn đầy trong những bước chân của runner đặc biệt này.
Cô gái quê Sóc Sơn, Hà Nội cho rằng chạy cũng là cách thể hiện tinh thần thể thao, năng động, lan tỏa những giá trị mà người chuyển giới có thể tạo ra. Tiên không ăn mặc lòe loẹt, thường là màu đen, tiết chế lời nói và hành động với suy nghĩ “giành lấy sự tôn trọng và cái nhìn bình thường từ mọi người”.
“Chạy giúp tôi quên đi những áp lực, làm quen nhiều bạn mới. Tôi cũng nhận ra xung quanh có rất nhiều người cởi mở, luôn quan tâm, ủng hộ hành trình của mình”, Huỳnh Tiên kể.
Nguyễn Đặng Huỳnh Tiên là người chuyển giới từ nam sang nữ. Cô ý thức về giới tính từ năm 2019 khi cảm thấy “rung động” trước bạn nam cùng lớp. Qua thời gian dài tự vấn, Tiên nhận ra mình không phải gay (đồng tính nam) mà khao khát trở thành một cô gái. Cũng vì thế, tính cách của Tiên nhẹ nhàng, tâm hồn bay bổng. Đỉnh điểm, Tiên từng bị bạn học chặn đường, đánh đập bằng mũ cối. Chuỗi ngày đến trường là những ngày ám ảnh với đầy những lời cay nghiệt. Nhiều lần Tiên phải bỏ học vì sợ. Điều may mắn là có ba mẹ bên cạnh, đồng cảm và ủng hộ.
Năm 2020, Tiên trúng tuyển vào Cao đẳng Nghệ thuật TP HCM. Khi này, cô đã để tóc dài, ăn mặc như nữ nhưng vẫn chưa trải qua quá trình chuyển giới. Nhận thấy bản thân cần phải phẫu thuật để được sống là chính mình. Tiên tạm dừng việc học, đi làm thêm để gom tiền sang Thái Lan. Sau hơn hai năm tích góp, cộng với sự ủng hộ của gia đình, giữa năm 2022, Tiên ra nước ngoài một mình, hoàn thành tâm nguyện bấy lâu. Trong 28 ngày, cô gái vừa tròn 20 trải qua ba cuộc đại phẫu cắt thanh quản, tạo hình ngực, phẫu thuật cơ quan sinh dục, sau đó là một quá trình dài dùng thuốc, chăm sóc các bộ phận mới. Tiên tụt 6kg, sức khỏe yếu, chỉ ăn cháo mỗi ngày.
“Em đã khóc rất nhiều vì hạnh phúc khi nhìn thấy cơ thể mới như mình mơ ước. Ngày về nước, ba mua tặng chiếc đầm và nói em hãy tự tin sống, từ nay không phải mặc đầm lén lút nữa”, Tiên kể về sự ủng hộ của gia đình. Ba mẹ và người thân luôn bên cạnh chăm sóc, động viên là điều khiến cô cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn.
Một năm qua, Tiên phải làm quen với việc có những bộ phận nữ sau 20 năm sống với cơ thể nam giới. Thiết sót duy nhất còn lại là đôi chân vòng kiềng. Vì vậy Huỳnh Tiên tìm đến chạy bộ vài tháng sau phẫu thuật để cải thiện dáng đi, giúp chân thon gọn và tăng cường sức khỏe. Đó cũng là lúc cô nhận ra chạy bộ có sức hút mãnh liệt. Bộ môn mới nhanh chóng trở thành một phần cuộc sống của cô gái 21 tuổi. Mỗi lần chạy, cô mất 15 phút bó ngực để đảm bảo an toàn.
Tiên gia nhập CLB Cisan Runner, là một trong những thành viên có kế hoạch tập luyện chăm chỉ nhất. Từ những buổi chạy đầu còn khó khăn, giờ đây cơ thể Tiên phản ứng tích cực nên khối lượng cứ thế tăng dần. Sau giờ làm barista (pha chế) tại một cửa hàng đồ uống, cô lập tức mang giày, lao ra Hồ Tây chạy. Tiên kể mỗi ngày chạy 10-13km, cuối tuần là những buổi long run 24 hoặc 32km trên hồ Gươm.
Tình yêu cùng với sự tiến bộ nhanh giúp Tiên đạt cột mốc đầu tiên là thành tích 1 tiếng 29 phút ở cự ly 21km. Kết quả giúp cô về thứ ba, tại một giải marathon ở Hà Nội. Cô nói rất nỗ lực để lao về đích nhanh nhất, tay giơ cao lá cờ của CLB Cisan Runner trong sự tự hào. Khoảnh khắc được đứng trên bục nhận giải cùng những VĐV nổi tiếng khác khiến Tiên suýt bật khóc.
Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, ban tổ chức không lâu sau thông báo kết quả của Tiên không được công nhận. Lý do là đăng ký tham gia với tư cách runner nữ nhưng căn cước công dân của Tiên là nam, với tên Nguyễn Thành Long. Tiên lủi thủi ra một góc, bật khóc nhưng chỉ đành chấp nhận vì ban tổ chức làm đúng quy định trong điều lệ. Giải thưởng hạng ba chung cuộc được đôn lên.
Mấy ngày sau, runner sinh năm 2002 vẫn còn buồn. “Tôi trở lại tập luyện bài 10km đầu tuần mà có lúc rớm nước mắt”, Tiên nói. Vì là người chuyển giới nên gặp khó khăn khi xác minh danh tính trong các giải marathon.
Gia đình, bạn bè đặc biệt là những người anh em trong CLB luôn ở bên động viên cô lúc khó khăn. Tiên nói vẫn yêu marathon, vẫn tiếp tục hướng đến nhiều giải khác và hy vọng ban tổ chức sẽ quan tâm đến nhóm LGBT. Hiện nhiều giải đấu trên thế giới dần cởi mở hơn, dùng biện pháp đo nồng độ hooc-mon để phân chia các VĐV.
“Trong thời gian ngắn quy định sẽ khó thay đổi và rất khó để tranh giải nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục chạy vì chính bản thân mình và cổ vũ những ai giống mình”, Tiên khẳng định và đang nỗ lực tập luyện để hướng đến việc chinh phục cự ly 42km tại các giải trong đó có VnExpress Marathon Hanoi Midnight vào cuối năm nay.
“Tôi sẽ không tìm kiếm giải thưởng vì sự công nhận không chỉ đến từ những tấm huy chương. Tôi sẽ nỗ lực để mọi người thấy được dù là người chuyển giới vẫn năng động, tích cực và nhiều giá trị”, runner sinh năm 2002 nói. Tiên cho biết vẫn chạy với giới tính nữ nhưng sẽ chủ động không tranh chấp thứ hạng để không rơi vào tình huống trớ trêu như trước đây và không ảnh hưởng đến nỗ lực của VĐV khác.
Hoài Phương