Mục tiêu của ông Biden khi họp thượng đỉnh với lãnh đạo Hàn, Nhật ở Trại David là củng cố vững chắc mối quan hệ vừa mới được hàn gắn giữa đồng minh ở Đông Á.
Tổng thống Joe Biden sẽ bắt đầu hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Hàn vào 11h (22h giờ Hà Nội) hôm nay tại Trại David ở bang Maryland, Mỹ, nhằm thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác ba bên trên các lĩnh vực quốc phòng, công nghệ và kinh tế.
Đây là hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn – Nhật đầu tiên trong lịch sử, bởi các cuộc gặp ba bên trước đó đều diễn ra bên lề các sự kiện đa phương. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Á, gần đây mới cải thiện quan hệ sau nhiều tranh cãi, bất đồng mang tính lịch sử liên quan đến vấn đề “lao động cưỡng bức” trong Thế chiến II.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hồi tháng 3 tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên sau 12 năm. Hai lãnh đạo nhất trí nối lại các chuyến thăm cấp cao song phương vốn đã bị đình chỉ trong hơn một thập kỷ qua, cũng các cuộc đàm phán an ninh.
Thủ tướng Kishida nói củng cố quan hệ song phương là “vấn đề cấp bách” trong bối cảnh an ninh khu vực diễn biến phức tạp do áp lực ngày càng tăng từ Triều Tiên và Trung Quốc. Ông nói Tokyo sẽ sớm tái khởi động các cuộc đàm phán an ninh với Seoul, trong khi ông Yoon cho biết Hàn Quốc đã “bình thường hóa hoàn toàn” Thỏa thuận Chia sẻ Thông tin Tình báo Quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản.
Giới quan sát cho rằng đây là thời cơ thuận lợi để Tổng thống Biden tạo ra chất keo củng cố vững chắc mối quan hệ vừa được hàn gắn giữa hai đồng minh thân cận, đồng thời tạo dấu ấn trong quan hệ đối ngoại. Trại David, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên, cũng là địa điểm từng chứng kiến nhiều cuộc đối thoại lịch sử của các tổng thống Mỹ tiền nhiệm.
“Hội nghị thượng đỉnh tại Trại David là một sự kiện quan trọng”, Robert Sutter, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học George Washington, người từng là nhân viên tình báo quốc gia phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Mỹ, nói. “Một kỷ nguyên mới có thể xuất hiện sau sự kiện này”.
Đó cũng chính là những gì Nhà Trắng kỳ vọng từ hội nghị, bởi các cố vấn của Tổng thống Biden nhận thấy quan hệ ấm lên gần đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn còn khá mong manh.
Theo Politico, yếu tố chính khiến Hàn Quốc và Nhật Bản xích lại gần nhau sau nhiều năm căng thẳng là các biến động gần đây về an ninh trong khu vực, bao gồm các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên hay hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan và nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp.
Mối quan hệ Nhật – Hàn dựa trên nỗi lo chung về môi trường địa chính trị khu vực chỉ có thể vững chắc hơn khi được củng cố bằng các yếu tố mang tính cam kết lâu dài như kinh tế và an ninh, các nhà phân tích nhận định.
“Họ vẫn luôn là những người bạn quan trọng của chúng tôi, tuy nhiên quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc giờ còn trở nên quan trọng hơn nữa bởi các hành động gần đây của Trung Quốc”, thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, người đứng đầu Tiểu ban Đối ngoại về An ninh mạng Quốc tế và khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ, nói. “Khi hai đồng minh của bạn căng thẳng với nhau, liên minh đương nhiên sẽ yếu đi”.
Thượng nghị sĩ Bill Hagerty, cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, cũng cho rằng nguyên nhân khiến Mỹ – Hàn – Nhật thúc đẩy hợp tác ba bên là “mối quan ngại chung” về hành động của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời dự đoán Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thúc đẩy “hợp tác quân sự”.
Các chuyên gia cũng nhận định kết quả của hội nghị sắp tới sẽ có ảnh hưởng lớn tới tương lai chính trị của các lãnh đạo Mỹ – Hàn – Nhật, đặc biệt là Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người đã vấp phải một số phản đối trong dư luận về chính sách xích lại gần Nhật Bản.
“Ông Yoon đang đánh cược với với sự nghiệp chính trị của mình, khi khoảng 70% người Hàn Quốc phản đối cách tiếp cận của ông với Nhật”, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris cho biết. “Tuy nhiên, ông Yoon nhận ra rằng không thể giải quyết được vấn đề lớn nào ở Đông Á mà không có sự tham gia tích cực của cả Nhật Bản và Hàn Quốc”.
Hạ nghị sĩ Young Kim, chủ tịch Tiểu ban Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cũng ghi nhận nỗ lực của Tổng thống Yoon trong cải thiện quan hệ với Nhật, bất chấp việc không nhận được sự ủng hộ từ dư luận trong nước.
“Ông ấy sẵn sàng chấp nhận bước đi mạo hiểm vì lợi ích của việc chống lại mối đe dọa chung trong tương lai”, bà Kim nói. “Chúng ta cần phải làm điều này cùng nhau”.
Trong khi đó, Tổng thống Biden được thượng nghị sĩ Chris Van Hollen đánh giá cao nhờ nỗ lực thúc đẩy hàn gắn quan hệ Hàn – Nhật.
“Chính quyền của ông Biden đã lấy được sự tin tưởng và quan tâm từ cả hai nước nhờ những cuộc gặp bên lề các hội nghị thượng đỉnh quốc tế, cũng như đối thoại cấp thấp hơn. Tất cả các biện pháp đó đã giúp hội nghị thượng đỉnh này có thể diễn ra”, ông Van Hollen nhận định.
Trung Quốc đang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn – Nhật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 15/8 tuyên bố sẽ “theo dõi sát sao” hội nghị, cáo buộc Mỹ có “hành vi kết bè kết phái, làm gia tăng đối đầu và gây tổn hại tới an ninh chiến lược của các quốc gia khác”.
Theo Politico, do Hàn Quốc và Nhật Bản có quan hệ kinh tế, thương mại phụ thuộc lẫn nhau rất lớn với Trung Quốc, nhiều khả năng hội nghị thượng đỉnh sẽ không đưa ra tuyên bố chung nào chỉ trích công khai Bắc Kinh. Dù vậy, các bên có thể ký các thỏa thuận chia sẻ thông tình báo nâng cao, lên kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận chung, hay thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Các bước tiến này sẽ giúp chính quyền của ông Biden tiếp tục củng cố chính sách của Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là đoàn kết các đồng minh trong khu vực nhằm tăng sức ép với Trung Quốc. Trước đó, Mỹ đã thành lập nhóm “Bộ Tứ” với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, cũng như ký hiệp ước an ninh “AUKUS” với Australia và Anh, những động thái vấp phải sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, tương lai của mối quan hệ ba bên Mỹ – Hàn – Nhật vẫn chưa thực sự chắc chắn, trong bối cảnh nền chính trị Mỹ có thể thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống năm tới, cũng như những tranh cãi lịch sử chưa được giải quyết triệt để giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Mỹ cần phải đặc biệt chú ý, nếu không mọi thứ sẽ đi chệch hướng”, cựu đại biện lâm thời Mỹ tại Trung Quốc David Rank nói. “Quan hệ giữa Seoul và Tokyo có rất nhiều yếu tố căng thẳng”, vốn khó có thể hóa giải chỉ bằng một hội nghị thượng đỉnh ba bên.
Phạm Giang (Theo CNN, Politico)