TP HCMChị Hà, quận 7, nói cho AISVN vay 600.000 USD (gần 15 tỷ đồng) để 3 con học miễn phí song đang rối bời vì trường hoạt động phập phù.
Chị Hồng Hà kể đóng gói tài chính 400.000 USD cho hai con vào học trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) cách đây 5 năm. Theo hợp đồng, khi con học xong 12 năm hoặc chuyển đi, trường sẽ trả lại số tiền này, coi như được học miễn phí. Vì thế, ba năm trước, chị đóng thêm gói 200.000 USD cho con út.
Hôm 18/3, AISVN thông báo cho hơn 1.200 học sinh nghỉ học vì giáo viên không đến trường. Chủ trường cho hay đã nợ lương, bảo hiểm xã hội của họ khoảng hai tháng và chưa thể ổn định lại việc dạy học.
Hai con đầu của chị Hà mới học được 4 năm, trong khi con gái út mới nhập trường một tháng.
“Đây là cú sốc với gia đình vì đã đầu tư số tiền quá lớn”, chị Hà nói.
Chị Hải Anh, phụ huynh học sinh lớp 11 và anh Phước Nguyên, có hai con đang học lớp 7, 10 cũng cho biết đã tham gia gói đầu tư với số tiền 2,5-5 tỷ đồng.
Các phụ huynh nói rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu ở lại trường, việc học của các con không biết đi về đâu, có thể dang dở. Nếu chuyển đi, việc tìm được trường và chương trình phù hợp không dễ, và phụ huynh coi như mất tiền đã đóng vì trường gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng.
Những ngày qua, chị Hải Anh như ngồi trên đống lửa, đảo lộn cả công việc, sinh hoạt vì chuyện học của con. Chị cho biết giáo viên các bộ môn đã nghỉ rải rác từ ba tuần trước, nhiều hôm con đến trường nhưng chỉ học được 3-5 tiết.
Chương trình IBDP (tú tài quốc tế) theo chuẩn dạy học, đánh giá của tổ chức Tú tài quốc tế (IBO). Theo chị, giáo viên đồng loạt nghỉ nên việc học, đánh giá học sinh bị ảnh hưởng. Chị liên hệ với các trường quốc tế cùng dạy IB ở TP HCM song chưa đạt được kết quả.
Một chuyên gia có nhiều năm quản lý, điều hành trường quốc tế ở TP HCM, giải thích IBDP là chương trình phổ thông được công nhận và dùng xét tuyển vào nhiều đại học trên thế giới. IBO cho phép học sinh chuyển trường giữa năm học. Song, vì phải chọn 6 trong số rất nhiều môn học và cấp độ (cơ bản hoặc nâng cao) ngay từ lớp 11 nên muốn chuyển, trường mới cũng phải có những môn đó với cùng cấp độ. Chưa kể, mỗi trường có thể có nội dung giảng dạy chi tiết, tài liệu, trình tự khác nhau.
Vị này đánh giá chương trình IBDP vốn rất “nặng”, cộng những lý do trên khiến việc chuyển trường ở thời điểm giữa năm học rất khó khăn, là bất lợi lớn cho những học sinh lớp 11, 12. Trong đó, kỳ thi lấy bằng của học sinh lớp 12 đang rất gần.
Hiệu trưởng một trường quốc tế khác nói nếu nhận, học sinh có thể phải học lại một số môn. Đó là lý do dù nhiều phụ huynh AISVN nộp hồ sơ nhưng bà đang cân nhắc.
“Vì việc này liên quan các quyền lợi học tập lâu dài của học sinh”, bà lý giải.
TP HCM hiện có khoảng 35 trường quốc tế, trong đó 7 trường dạy chương trình IB. Nếu chuyển được thì dù tiếp tục theo hệ IB hay đổi sang A-level, Cambridge, theo chị Hồng Hà cũng là gánh nặng về tài chính.
“Phụ huynh phải đóng học phí ở trường mới, khoảng 500-900 triệu đồng một năm. Vì con còn nhỏ nên cần đóng thêm 5-10 năm nữa”, chị Hà nhẩm tính.
Một nhóm phụ huynh đang nghĩ đến việc chuyển con sang trường công lập hoặc tư thục song ngữ.
Theo họ, có trường tư sẵn sàng tiếp nhận, giảm học phí, song nhiều người băn khoăn vì con đã học bằng tiếng Anh theo giáo trình Mỹ từ nhỏ. Trong khi, các trường tư chỉ dạy một số môn bằng tiếng Anh, còn vẫn theo chương trình công lập.
“Tôi lo con khó thích nghi”, một phụ huynh nói.
Những người nhắm tới các trường công còn thêm nỗi lo khác. Chị Thu Thủy, phụ huynh lớp 7, cho hay tìm đến một trường công lập chất lượng cao ở quận 7 nhưng trường từ chối tiếp nhận học sinh chuyển giữa năm học.
Một cán bộ của Sở cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về việc chuyển đổi từ chương trình nước ngoài sang chương trình Việt Nam, khá phức tạp. Phụ huynh cần làm xác nhận chương trình đang học. Trường mới căn cứ vào đó để xem xét khả năng đáp ứng vì nhiều môn chỉ có ở chương trình Việt Nam và ngược lại. Việc tiếp nhận và xếp lớp được quyết định sau khi đánh giá năng lực của học sinh.
Không chỉ rối bời vì việc học, phụ huynh còn lo mất tiền theo hợp đồng đã ký. Họ cho hay tùy thời điểm, mỗi hợp đồng trị giá 100.000-200.000 USD cho một học sinh. Có người đóng để cả ba hoặc bốn con theo học.
“Không nhớ, chi tiết con số do kế toán nắm”, bà Nguyễn Thị Út Em, chủ trường, nói khi trả lời VnExpress đêm 18/3 về tổng số tiền đầu tư của phụ huynh.
Hồi tháng 9 năm ngoái, hàng chục người đã tụ tập ở cổng trường AISVN để đòi nợ vì con ra trường cả năm trời mà trường chưa trả lại tiền.
Chiều 21/3, tại họp báo của thành phố, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho hay chủ trường AISVN cam kết trong một tuần sẽ tìm quỹ đầu tư để tái cấu trúc, duy trì hoạt động. Song song đó, Sở đề nghị các phòng giáo dục, trường công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài tạo điều kiện để học sinh AISVN chuyển đến.
Các phụ huynh cho rằng chưa có một giải pháp cụ thể nào. Mỗi gia đình vẫn loay hoay.
Chị Hải Anh và một nhóm khoảng 160 người muốn làm việc trực tiếp với ban giám hiệu, đóng thêm tiền để phần nào trả lương cho giáo viên, cố duy trì hoạt động cho đến hết năm.
“Việc chuyển trường ngay lúc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học của con. Tôi vẫn muốn con hoàn thành năm học ở AISVN, sau đó tìm trường khác phù hợp”, chị Hải Anh nói.
Anh Phước Nguyên cho rằng cách này “như muối bỏ bể”. Bởi tháng 10/2023, bà Út Em đã kêu gọi phụ huynh đóng thêm tiền để “cứu” trường. Nhiều người đã đóng nhưng không giải quyết được vấn đề. Anh đang liên hệ với vài trường để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Chị Hồng Hà thì đã quyết chuyển trường. Chị nói cần ưu tiên việc học của con, số tiền đóng ở AISVN sẽ tính sau.
“Hai tháng nữa là kết thúc năm học, tôi buộc phải chuyển sang trường quốc tế tương đương để con hoàn thành chương trình. Nếu trễ hơn, các con phải học lại một năm”.
Lệ Nguyễn
*Tên phụ huynh đã thay đổi