Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, quá trình tinh gọn bộ máy sẽ là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm vị trí việc làm mới phù hợp hơn với năng lực.
Tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn, đang quyết liệt được triển khai nhằm hướng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ bị ảnh hưởng trong quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy là bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm đối với người lao động trong khu vực công. Ảnh: HQ |
Trong quá trình thực hiện tinh gọn bộ máy, ông đánh giá gì về việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng?
Theo tôi, việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ không chỉ mang ý nghĩa pháp lý mà còn thể hiện tính nhân văn, giúp cán bộ, công chức, viên chức có thêm nguồn lực để duy trì cuộc sống và tìm kiếm công việc mới, đồng thời đảm bảo các mục tiêu cải cách hành chính được thực hiện hiệu quả, bền vững.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ như trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và xã hội theo Luật Cán bộ, Công chức và Nghị định 29/2023/NĐ-CP hiện đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người lao động duy trì cuộc sống cơ bản, giảm áp lực kinh tế và đảm bảo quyền lợi y tế trong giai đoạn này.
Theo đó, những chính sách trên không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng mà còn thúc đẩy hiệu quả cải cách hành chính, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và nhận được sự đồng thuận từ xã hội, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định xã hội và tăng niềm tin vào các chính sách cải cách của Nhà nước.
Được biết, Bộ Nội vụ là đơn vị được giao trọng trách xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức bị ảnh hưởng trong quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong quá trình xây dựng chính sách, Bộ Nội vụ cần tập trung vào việc thiết kế các giải pháp mang tính toàn diện, không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tài chính mà còn tạo điều kiện để các cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng có cơ hội tái hòa nhập thị trường lao động thông qua các chương trình đào tạo lại nghề, chuyển đổi kỹ năng, hoặc tạo điều kiện để họ tham gia khu vực kinh tế tư nhân.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của Bộ Nội vụ là phải đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp với từng nhóm đối tượng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, cần chú trọng đến các nhóm cán bộ lớn tuổi, những người có thâm niên công tác hoặc thuộc nhóm dễ bị tổn thương, nhằm tạo ra sự đồng thuận và giảm bớt tâm lý e ngại khi thực hiện các chính sách tinh giản.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law. Ảnh: Quốc Chuyển |
Không ít ý kiến cho rằng, thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy ngoài chế độ chính sách với đối tượng nghỉ hưu sớm, phải có cơ chế đủ mạnh, đủ hấp dẫn để giữ chân người tài ở lại với bộ máy nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Câu chuyện “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư làm việc đã diễn ra từ lâu không chỉ ở riêng Việt Nam. Đây là một vấn đề được nhắc đến nhiều trong các hội nghị thảo luận về bộ máy Nhà nước, đặc biệt là khi nói đến việc thu hút và trọng dụng nguồn lực tài năng cho hệ thống công quyền. Vì vậy, trong đợt sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước tới đây, ngoài chế độ chính sách với đối tượng nghỉ hưu sớm thì cũng cần phải có những cơ chế đủ mạnh, hấp dẫn để giữ chân người tài là hết sức cần thiết.
Để thực hiện thu hút một cách hiệu quả cần các đáp ứng được các yếu tố như: Có chế độ đãi ngộ hợp lý, người tài cần được trả lương xứng đáng với năng lực và đóng góp của họ. Mức lương của công chức cần được điều chỉnh sao cho đủ hấp dẫn để người tài cảm thấy họ được đánh giá đúng mức về công sức và năng lực. Ngoài ra, các phúc lợi khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các hỗ trợ cho gia đình, chế độ nghỉ phép và hưu trí cần được xây dựng hợp lý. Những phúc lợi này không chỉ tạo cảm giác an toàn, mà còn giúp người công chức cảm thấy hài lòng và gắn bó lâu dài với công việc.
Tiếp đến, cơ quan nhà nước cần cung cấp cơ hội học hỏi, đào tạo và phát triển nghề nghiệp là yếu tố quan trọng giúp người tài cảm thấy có động lực và niềm tin vào tương lai trong khu vực công. Bên cạnh đó, cần cơ chế thăng tiến công bằng và hiệu quả, cơ chế thăng tiến trong khu vực công phải minh bạch và công bằng để người tài thấy rằng sự phát triển trong công việc không bị hạn chế, và họ có thể đạt được những vị trí cao hơn nếu có năng lực và cống hiến.
Cuối cùng, khu vực công cần tạo ra chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, giúp công chức không chỉ hoàn thành nhiệm vụ hành chính mà còn đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả công việc của bộ máy nhà nước. Chính phủ cần có những cơ chế hỗ trợ công chức đóng góp các ý tưởng sáng tạo và cải tiến quy trình làm việc. Khi công chức thấy rằng những sáng kiến của họ có thể được áp dụng vào thực tế và tạo ra sự thay đổi tích cực, họ sẽ cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa và gắn bó lâu dài.
Thực tế, với việc đưa ra các chế độ chính sách đủ mạnh Nhà nước sẽ cần một khoản ngân sách đáng kể để giữ chân người tài cũng như hỗ trợ cán bộ bị ảnh hưởng bởi sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Vậy, theo ông cần huy động các nguồn lực như thế nào cho phù hợp?
Trước hết, ngân sách Trung ương là nguồn tài chính chủ yếu mà Nhà nước có thể dựa vào để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức. Chính phủ có thể điều chỉnh ngân sách hàng năm để tăng cường chi cho các chương trình cải cách tiền lương. Việc này không chỉ giúp đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức mà còn tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, góp phần vào sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các địa phương có thể khai thác nguồn tăng thu từ ngân sách địa phương, đặc biệt là từ các hoạt động kinh tế phát triển, để bổ sung cho ngân sách hỗ trợ cán bộ, công chức. Nếu một số địa phương có dư ngân sách từ những năm trước, họ cũng có thể sử dụng khoản này để đầu tư vào các chương trình hỗ trợ. Như vậy sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trung ương, khuyến khích các địa phương chủ động hơn trong việc quản lý tài chính của mình.
Nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước hiện nay có nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp như dịch vụ công, phí và lệ phí. Một phần trong số nguồn thu này có thể được sử dụng để chi cho các chế độ hỗ trợ cán bộ, công chức. Đây có thể xem như nguồn lực tài chính bổ sung, từ đó khuyến khích các cơ quan tự chủ hơn trong việc quản lý và sử dụng tài chính của mình.
Đồng thời, Nhà nước có thể thực hiện việc tiết kiệm chi thường xuyên bằng cách cắt giảm một số khoản chi không cần thiết hoặc tối ưu hóa quy trình làm việc, cũng như có thể trích khoảng 10% từ khoản tiết kiệm này để bổ sung vào ngân sách cho việc thực hiện các chế độ hỗ trợ. Điều này sẽ giúp nhà nước duy trì sự cân đối tài chính trong khi vẫn đảm bảo được các quyền lợi cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế không chỉ mang lại hiệu quả trong quản lý nhân sự mà còn tạo ra một khoản tiết kiệm đáng kể cho ngân sách nhà nước. Số tiền tiết kiệm từ việc giảm biên chế có thể được sử dụng để hỗ trợ cho những cán bộ, công chức bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển tiếp sang công việc mới hoặc ổn định cuộc sống.
Hiện, việc phải rời bộ máy nhà nước đang tác động lớn đến tâm tư của không ít cán bộ, công chức, viên chức. Về điều này, ông có chia sẻ gì với những đối tượng trong diện bị ảnh hưởng bởi sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này?
Vấn đề tâm tư, lo lắng của cán bộ, công chức trong mỗi lần tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo tôi, những người trong diện bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này cần hiểu rõ mục tiêu của việc tinh gọn bộ máy.
Đó là, việc tinh gọn bộ máy nhà nước nhằm để giảm bớt số lượng cán bộ, hướng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính. Chính phủ đang nỗ lực cải cách để xây dựng một bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, có thể tạo ra những cơ hội mới cho cán bộ, công chức trong việc phát triển nghề nghiệp và nâng cao kỹ năng.
Dù việc rời bỏ khu vực công có thể gây lo lắng, nhưng cũng là cơ hội để cán bộ, công chức tìm kiếm những cơ hội mới, những vị trí làm việc mới phù hợp hơn với năng lực và sở thích của mình. Họ nên chủ động cập nhật kỹ năng, tham gia các khóa đào tạo hoặc học hỏi từ những người đi trước để chuẩn bị tốt nhất cho bước chuyển mình này. Việc mở rộng mạng lưới quan hệ và kết nối với các chuyên gia trong ngành cũng sẽ giúp họ tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã cam kết xây dựng các chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng bởi quá trình tinh gọn bộ máy. Điều này bao gồm các chế độ đãi ngộ hợp lý, chương trình đào tạo nghề và hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới. Cán bộ, công chức nên nắm bắt thông tin về các chính sách này để có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà nhà nước cung cấp.
Ngoài ra, cán bộ, công chức có thể tham gia vào quá trình cải cách bằng cách đóng góp ý kiến và phản hồi về các chính sách sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Sự tham gia của họ không chỉ giúp cải thiện quy trình mà còn tạo ra cảm giác được lắng nghe và tôn trọng trong quá trình chuyển đổi. Cuối cùng là phải luôn phải giữ một tinh thần lạc quan và kiên trì. Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì một tinh thần lạc quan là rất quan trọng. Cán bộ, công chức cần nhớ rằng sự thay đổi luôn đi kèm với những thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội mới.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/tinh-gon-bo-may-la-co-hoi-de-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-tim-kiem-viec-lam-phu-hop-nang-luc-365494.html