Tiểu dầm là tình trạng tiểu không kiểm soát, thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng đôi khi đây cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý.
Tiểu dầm hay còn gọi là tiểu không tự chủ, là tình trạng mất kiểm soát bàng quang, phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi do khả năng kiểm soát bàng quang còn khá yếu. Đây là một hiện tượng bình thường, phụ huynh không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết Niệu, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tiểu dầm đôi khi có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý, do đó, dù phụ huynh không cần quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan nếu trẻ gặp phải tình trạng này.
Tiểu dầm có thể là bất thường nếu: kéo dài trên 6 tháng, đặc biệt là ở những trẻ trên 5 tuổi, vì hơn 90% trẻ ở độ tuổi này đã có thể kiểm soát được việc đi tiểu. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý nếu trước đó trẻ đã có thể tự chủ việc đi tiểu nhưng lại bất chợt xuất hiện tình trạng tiểu dầm.
Hiện tượng tiểu dầm do bệnh lý có thể liên quan đến bất thường ở cấu trúc, kích cỡ của các cơ quan trong hệ tiết niệu của trẻ, nhất là bàng quan. Ngoài ra, tiểu dầm còn có thể xảy ra do các bệnh gây viêm nhiễm vùng cơ quan sinh dục như viêm da quy đầu ở bé trai và viêm âm đạo ở bé gái, nấm cơ quan sinh dục, bàng quang nhỏ, bàng quang tăng hoạt, rối loạn nội tiết, thiếu hồng cầu hình liềm… Các vấn đề về sức khỏe tinh thần như tồn tại những ức chế hoặc khúc mắc chưa được giải tỏa cũng có thể gây ra tình trạng tiểu dầm ở trẻ em.
Bác sĩ Hoàng Đức cho biết, tiểu dầm ở trẻ em được điều trị bằng cách sau:
Điều chỉnh sinh hoạt và thói quen của trẻ
Phụ huynh nên hạn chế cho trẻ uống nước hoặc sữa khi gần giờ ngủ, điều này giúp giảm hình thành nước tiểu, giảm nguy cơ tiểu dầm. Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, nên tránh những thực phẩm nóng hoặc cay nồng có khả năng kích thích bàng quang của trẻ.
Phụ huynh cần để trẻ đi tiểu sạch trước khi đi ngủ. Sau đó, canh khoảng 30 – 60 phút trước khi đến khung giờ mà trẻ thường tiểu dầm, gọi trẻ dậy đi tiểu sạch một lần nữa, như vậy sẽ hạn chế được tình trạng tiểu không tự chủ ở trẻ em. Trẻ nên được mặc quần áo thoải mái, đặc biệt là khi đi ngủ để tránh quần áo va chạm vào cơ quan sinh dục, kích thích lên bàng quang dẫn đến rò rỉ nước tiểu không kiểm soát.
Tập cho trẻ cách kiểm soát bàng quang như: đi tiểu theo giờ cố định, mỗi lần cách nhau 2 – 3 tiếng; thả lỏng vùng cơ sàn chậu, tránh các động tác tạo áp lực lên vùng này; tiểu hai nhịp trong một lần đi tiểu, đây là phương pháp làm trống bàng quang, chủ yếu áp dụng cho các trẻ có bàng quang kém hoạt, trào ngược bàng quang niệu quản.
Điều trị bảo tồn bằng thuốc đường uống
Phương pháp này được áp dụng cho những trường hợp nặng, trẻ không đáp ứng các phương pháp thay đổi thói quen sống và tập kiểm soát bàng quang. Thuốc được sử dụng trong điều trị thường là thuốc ức chế thần kinh bàng quang và ức chế phân tiết nước tiểu.
Bác sĩ Hoàng Đức khuyến cáo, phụ huynh cần bình tĩnh, không nên la mắng khi trẻ tiểu dầm. Dù không phải là một bệnh lý phức tạp gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ. Những lời trách mắng của phụ huynh có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của trẻ về bản thân, cho rằng tiểu dầm là một hành vi sai trái, tạo ra cảm giác tội lỗi ở trẻ, làm cho trẻ trở nên tự ti và thu mình lại. Khi tâm lý trẻ bị ảnh hưởng, tiểu dầm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Phi Hồng