Mỗi năm, nhiều bệnh viện tại Quảng Ninh mất hàng tỷ đồng để in phim, nước rửa phim thải ra gây ô nhiễm. Nay nhờ chuyển đổi số, các bệnh viện đã tiết kiệm chi phí và giảm chất thải nhựa.
Tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm chất thải nhựa nhờ chuyển đổi số tại bệnh viện
Mỗi năm, nhiều bệnh viện tại Quảng Ninh mất hàng tỷ đồng để in phim, nước rửa phim thải ra gây ô nhiễm. Nay nhờ chuyển đổi số, các bệnh viện đã tiết kiệm chi phí và giảm chất thải nhựa.
Người bệnh thuận tiện, bệnh viện tiết kiệm chi
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cách đây chỉ 1-2 năm, tình trạng bệnh nhân phải đến viện từ lúc 4h sáng để chờ khám không phải là hiếm.
Chuyển đổi số giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi tháng cho việc không phải in phim. |
Theo bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, ông từng nhận được nhiều cuộc điện thoại từ bệnh nhân phàn nàn vì phải chờ đợi lâu khi đến bệnh viện khám, vì thế bệnh viện quyết tâm triển khai hệ thống đặt lịch khám trực tuyến.
Nếu vào đầu năm 2024, tỷ lệ đặt lịch khám trước qua trực tuyến chỉ đạt 15%, thì nay đã tăng lên 50%. Hình thức đặt lịch được triển khai qua điện thoại, Zalo, website bệnh viện và ứng dụng di động.
Lịch hẹn được phân bổ đều trong ngày, giúp hạn chế tình trạng quá tải cục bộ. Bệnh nhân chỉ cần đến viện trước lịch hẹn 10 phút và không phải mua sổ giấy khám bệnh nếu không có nhu cầu. Quá trình khám chữa bệnh chỉ cần một mã QR để đi khắp các khoa, phòng.
“Bệnh nhân, kể cả người nhà tôi, vào viện mà không cần quen biết, nhờ vả ai để được xếp lịch khám hay chụp chiếu sớm. Người dân có thể đi khám mà không cần mang theo giấy tờ gì”, Giám đốc Nguyễn Bá Việt nói.
Nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số hướng tới mô hình bệnh viện thông minh, theo bác sỹ Việt, Bệnh viện đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ đạt mức 6/7 theo nhóm tiêu chí hạ tầng của Bộ Y tế.
Bệnh viện cũng sử dụng bệnh án điện tử và nhiều hệ thống khác như lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS), giúp giảm thiểu sai sót trong khâu nhập liệu, phối hợp thanh toán bảo hiểm y tế và góp phần minh bạch hóa mọi hoạt động khám chữa bệnh.
Về lợi ích của chuyển đổi số, không chỉ giúp bệnh nhân hưởng lợi mà còn giúp bệnh viện tiết kiệm chi phí cho việc in phim, xử lý rác thải.
Tại Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bác sỹ chuyên khoa I Ngô Quang Chức, Trưởng Khoa chia sẻ rằng trước đây, Bệnh viện phải in ra khoảng 3.000 phim/tháng, riêng tiền mua phim đã ngốn 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Việc xử lý nước rửa phim rất phức tạp và tốn kém do phim nhiễm chì. Nếu không kiểm soát tốt, chất thải này sẽ gây nhiễm độc và ô nhiễm môi trường.
Nay, khi bệnh nhân vào chụp chiếu, kết quả sẽ được chuyển đến số điện thoại của người bệnh, không cần chờ lấy phim. Việc này không chỉ thuận tiện cho bệnh nhân mà còn tiết kiệm chi phí cho bệnh viện và đồng thời giúp bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp.
Ngoài ra, khi còn sử dụng hồ sơ giấy, bệnh viện phải bố trí kho để lưu trữ hồ sơ, dữ liệu bệnh nhân kéo dài hàng chục năm. Nay, với việc sử dụng bệnh án điện tử, bệnh viện dễ dàng quản lý hồ sơ, giảm thiểu chất thải y tế, đảm bảo tiêu chí sạch và bảo vệ cảnh quan.
Việc chuyển đổi số y tế, xóa bỏ hồ sơ giấy, đơn thuốc giấy và không in phim nhựa đã giúp bệnh viện tiết kiệm hàng tỷ đồng, giảm thiểu chất thải nhựa và chất thải nguy hại, bảo vệ môi trường bệnh viện.
Với chuyển đổi số, điều khiến bệnh nhân hài lòng nhất là họ có thể chủ động nắm rõ quá trình khám chữa bệnh mà không phải thấp thỏm chờ đợi không biết bao giờ đến lượt hoặc bao giờ có kết quả.
Tổng thời gian từ lúc đến viện đến khi ra về đã giảm được hơn 2 giờ đồng hồ. Bác sỹ cũng thuận lợi hơn trong chẩn đoán và điều trị; khi đi thăm khám, họ có thể tra cứu thông tin bệnh nhân qua phần mềm trên điện thoại thay vì phải lật từng trang bệnh án giấy.
Theo Bộ Y tế, vài năm trước, chi phí để mua phim chụp mỗi năm của các bệnh viện ở Việt Nam là khoảng 2.000 tỷ đồng. PGS-TS.Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, cho biết với phần mềm PACS khi ứng dụng tại Việt Nam, chi phí chỉ bằng 50% giá trị của phim. PACS, nếu được triển khai đồng bộ, không chỉ giúp các cơ sở y tế tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng chẩn đoán mà còn bảo vệ môi trường vì không cần phải in phim.
Lãnh đạo Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cũng nhận định rằng việc chuyển đổi số y tế đã mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện trong khám chữa bệnh, ngăn ngừa rác thải nhựa và giúp môi trường bệnh viện sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn.
Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế
Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí thu về tổng lợi nhuận gần 475 triệu đồng trong năm 2023.
Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí thu về tổng lợi nhuận gần 475 triệu đồng trong năm 2023. |
Cụ thể, nhờ phương pháp hấp, bệnh viện đã xử lý thành công 45.800 kg chất thải y tế lây nhiễm, chuyển chúng thành chất thải thông thường có thể tái chế.
Theo điều dưỡng chuyên khoa I Trương Thị Kiều Oanh, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, do đặc thù sử dụng vật dụng y tế một lần nhằm đảm bảo an toàn, rác thải nhựa tại bệnh viện chiếm tỷ lệ cao.
Các loại chất thải phổ biến bao gồm túi nilon, bao gói vật tư y tế, dụng cụ đóng gói thuốc, hóa chất, kim tiêm, găng tay, chai, lọ thuốc… Nếu không xử lý đúng cách, những chất thải này có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Để giảm thiểu chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa y tế, bệnh viện đã nghiên cứu và phối hợp với các chuyên gia của Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) triển khai các giải pháp xử lý hiệu quả.
Bệnh viện hiện đang áp dụng công nghệ hấp không đốt để xử lý chất thải nhựa lây nhiễm. Kết quả thử nghiệm của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho thấy phương pháp này đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.
Phương pháp hấp không đốt này không phát sinh khói bụi hay khí độc hại, giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ ô nhiễm không khí, đất và nước.
Hơn nữa, phương pháp này còn giúp chuyển đổi chất thải y tế lây nhiễm thành chất thải thông thường có thể tái chế, hạn chế tối đa việc tích tụ các chất thải nhựa khó phân hủy. Điều này mở ra một hướng phát triển bền vững cho ngành Y tế, đồng thời bảo vệ môi trường.
Bệnh viện cũng thực hiện phân loại rác ngay từ nguồn, với các thùng rác được dán nhãn rõ ràng để tránh nhầm lẫn.
Các xe tiêm đều có thùng phân loại riêng, có dán nhãn hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, cán bộ y tế cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện phân loại rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và tăng cường tái sử dụng, tái chế các sản phẩm nhựa. Việc này không chỉ giúp duy trì thói quen bảo vệ môi trường trong bệnh viện mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Nói về mô hình đang triển khai tại đây, bác sỹ Phan Thị Lý, Trưởng phòng Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), đánh giá rất cao sáng kiến của Bệnh viện.
Theo bác sỹ Lý, đây không chỉ là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh ô nhiễm nhựa toàn cầu mà còn là cơ sở để các cơ quan chức năng xây dựng chính sách áp dụng rộng rãi.
Mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế của bệnh viện xứng đáng được nhân rộng, góp phần xây dựng hệ thống y tế xanh và bảo vệ cộng đồng.
Trước đó, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cũng là đơn vị tiên phong trong cả nước triển khai giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước. Giải pháp này không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kỹ thuật mà còn giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống cộng đồng.
Mô hình này đã được Cục Quản lý Môi trường Y tế đánh giá cao và giới thiệu cho các cơ sở y tế khác trong nước đến tham quan, học hỏi, đồng thời được báo cáo tại nhiều hội nghị, hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm.
Nguồn: https://baodautu.vn/tiet-kiem-thoi-gian-chi-phi-giam-chat-thai-nhua-nho-chuyen-doi-so-tai-benh-vien-d231781.html